Có nỗi nhớ mang tên…Bánh tráng

Đăng ngày 09 - 05 - 2016
Lượt xem: 461
100%

 

Nguyễn Thị Kim Hòa

Sáng nay tôi vừa làm rơi một nỗi nhớ trước hẻm nhà. Con hẻm nhỏ dài chưa đầy hai chục thước, mỏng như vệt khói len tách đôi năm bảy nóc nhà liêu xiêu cũ. Vệt khói cụt ngủn vậy mà không sáng nào hai bên rìa không loang loáng trắng màu những dải vỉ tre phơi giắt hàng. Những chiếc kẹp vẫn níu vệt khói hẻm chững lại, chùng chình giữa xô bồ phố xá ngoài kia đó. Những vỉ phơi bánh tráng. Giờ chúng ở đâu?

Nỗi nhớ lóc cóc chạy tới chạy lui hai bên con hẻm trống hơn nhắc tôi rằng chúng đã vào thành phố, theo người tráng bánh. Cái bệnh viện đông nghịt nào đó chắc sáng nay hả hê cười vì giật ra khỏi hẻm thêm một người. Thôi thì tạm không bàn về cái buồn sinh lão bệnh tử của đời người. Chỉ xin được tản mạn đôi dòng về chút nhớ gợn lên từ buổi sáng hẻm vắng màu bánh tráng.

Bà ngoại tôi trước có nghề tráng bánh. Chiến tranh pháo bay đạn lạc, dắt díu cả nhà qua bên này sông Dinh, ngoại trụ lại con hẻm nhỏ trong phố với lò bánh tráng.

Lò bánh dựng ngay trên vuông đất vẫn còn lùm xùm cây bụi bên hông nhà. Gọi là hẻm phố mà khi ấy đất vẫn còn thưa vắng lắm. Nhà không có đàn ông lại nheo nhóc một bầy trẻ nhỏ, tôi hình dung chắc ngoại phải như người lóp ngóp trong hầm bà lằng việc nhà, rồi cả việc chuẩn bị lò.

Tinh mơ nào đó, buổi tinh mơ đã được mở sổ lật lịch coi trước hai ba lượt chọn lựa sao cho tốt, đã làm được cả một mâm cúng nho nhỏ trái cây bánh trái rất tâm linh, ngoại dậy sớm, pha nước chế trà chuẩn bị đón bác thợ đắp lò.

Bác thợ thường kiêm luôn chức thợ hồ trong xóm, đường bay đưa điêu luyện nên trời chưa đứng bóng đã thấy lù lù nhô bên hông nhà một khối lò đắp láng ót với đầy đủ bộ sậu đi kèm nào hộc chứa trấu, nào ống khói.

Ngắm nhìn lò bánh phô phang gác chắc nụi của mình lên khoảng đất vốn lơ phơ bụi đất, cây cỏ, tôi đoán trong lúc bác thợ gầng gật hài lòng thì ngoại hẳn phải làm một tiếng thở phào. Thở để còn lấy sức mà bắt đầu cái guồng tất bật, cực nhọc hết cỡ của nghề tráng bánh.

Không cực sao được. Khi giờ chỉ qua lời kể của ngoại, tôi đã cảm giác dội vào tai trình trịch tiếng cối xay bột.

Tôi không có chút kí ức nào về cái cối. Cái cối quay tay duy nhất tôi biết là cái cối bằng đá xanh, chỉ xem xem cỡ nồi cơm điện, giờ đang đội dày cui mạng nhện lăn lóc dưới gốc dừa trong rẫy ngoại. Ngày nhỏ, tôi không biết đã ăn bao nhiêu cái bánh xèo từ dòng bột chảy qua miệng cối. Tiếng cối nào đã vang bên tai tôi? Hay tiếng chạm nhau từ hai dòng kí ức của tôi và của ngoại?

Hai ba chục kí gạo, chỉ một cái cối nhỏ, một người quay. Dòng bột trắng quyện cùng dòng mồ hôi người, dòng thời gian chảy quanh vành cối rồi tuôn xuống. Thau bột đầy ăm ắp cũng là lúc ngày tàn.

Tôi cứ nghĩ đến cái bóng vươn người tách khỏi cối xay của ngoại bên ngọn đèn dầu. Chắc trong dịu dàng sáng tỏa ra từ bóng đèn hột vịt, cái bóng có quờ tay ra sau đấm đấm lưng vài ba cái, có ngoái cái đầu hai ba lượt ra chỗ cái thau đang rộng bột bên góc nhà trong lúc giũ giũ chân trước một cửa mùng.

 “Tráng bánh giờ sướng đâu thức phia* dậy sớm gì mấy, má Út ha?”

Người tráng bánh hàng xóm mỗi lần nghe ngoại hỏi chỉ cười hiền hiền, tay quệt dòng mồ hôi ưng ửng màu lửa lò, màu khói nước.

Chắc dì biết bà già quê lâu lâu ra chơi nhìn vỉ phơi, nhìn bếp lò nhớ nghề xưa cũ. Chắc dì coi ánh mắt vừa mừng mừng vừa ấm ức của ngoại lúc ngó cái máy xay bột, cái thau trong phút chốc óc ách đầy những dòng trắng sữa là ánh mắt mình hai ba chục năm nữa. Chừng đó biết đâu người ta không phát minh ra thứ gì mang tính “cách mạng” cho nghề bánh tráng hơn cả cái máy xay.

Tôi đang hoang mang một việc. Liệu đến lúc đó người tráng bánh có cần trấu, cần xác mía để chụm lò?

Nếu không. Chắc tôi nhớ đến chết mất cái dáng đàn bà chiều chiều lại ràng hai bao trấu đầy kềnh hai bên xe, tà tà đạp ra khỏi xóm. Trấu dùng đốt lò bánh xong rồi. Hóa vụn tro đen khét lẹt hết rồi. Nhưng không thể nào tôi không tự hỏi: Biết có nặng không mà sao cái dáng người đạp xe lại quá trời thư thả ung dung?

Ngoại nói: Hồi xưa hả, ngoại còn gánh trấu qua chục cây số đường động cát!

Trấu của ngoại là trấu lúc chưa vào vũ đài lửa trong lò nên chắc nặng hơn. Tách khỏi hạt gạo trong những cối xay tay, trấu vun thành đống bên bờ rào, trong những sân nhà của làng Chăm. Để gióng chị gióng em quẩy trên vai, ngoại cùng cô em nhỏ không ngày nào không băng động cát vào xin hốt.

Lại như có một bức màn rủ xuống trước mắt tôi và sân khấu tưởng tượng vụt sáng đèn, làm nổi bật giữa phông nền hai dáng người trĩu trịt hai bao trấu đầy ụ thoăn thoắt bước.

Bên dưới hai cái dáng nhỏ nhoi ấy, cát xấp lớp chồng lên nhau chân vừa chạm xuống là ngập lút.

Vở diễn tưởng tượng không thể nào không có thêm vài hiệu ứng. Âm thanh là gió mùa bấc gào rít quặn quật, tung mù mịt cát. Ánh sáng là con nắng sa mạc đã thiêu phải thiêu cho nứt đất, cháy trời.

“Ờ… hồi xưa khổ dị* đó con. Khổ mà dzui!”.

Câu thoại bất ngờ cất lên từ một dáng người làm vở diễn trước mắt tôi tắt bụp. Tưởng tượng của một đứa suốt ngày nằm ườn viết đôi ba con chữ đã than trời cực nhọc trần ai hóa ra trật lất.

Tôi áp tinh thần lên nhân vật, bắt nhân vật mở miệng nói thay mình làm gì? Phát xít nhé, độc tài nhé! Rồi có ngày họ đấu tranh hất cho bà tác giả lật nhào.

Cứ nhìn nhân vật ngoại tôi mà xem. Rõ ràng ngoại tuyên bố ngoại đâu có khổ. “Khổ mà dzui” thì đâu thấy khổ, còn băng băng lướt được trên cả khổ nữa. Không đúng sao?

Bởi vậy, nằm bên cạnh tôi cứ nghe ngoại say sưa mải chuyện ngồi bên lò tráng. Niềm vui của người-tráng-bánh-ngoại chính thức xòe bung ra phải chăng là lúc này?

Khi ngọn lửa mồi xác mía reo lên, lạo xạo chạy qua tô một lớp hồng ấm sực lên mặt trấu. Khi cái chảo nước sóng sánh được kê vừa khít trên miệng lò, đem theo cả lồng bánh bằng đất nung hệt một cái thùng tôn úp ngược lắc lư đến vui mắt. Hay khi ngoại căng trên cái lồng ấy hai lớp vải trắng thẳng tưng mịn như mặt trống và bắt đầu đổ lên vá bột đầu tiên?

Tôi cứ tiếc vá bột đầu tiên ấy. Phải tôi có mặt được, phải tôi chồm hổm bên cạnh ngoại trong khoảnh khắc ấy được, nhất định tôi sẽ xem bàn tay lần đầu cầm vá bột có khẽ run lên không. Rồi ánh mắt lần đầu chạm lớp bột tròn trĩnh mình tráng trên mặt vải có vụt long lanh, phấp phổng một niềm vui, một chờ đợi hay không.

Chờ đợi chắc lại làm lẩy bẩy hết mấy ngón tay dỡ cái nắp tre đang đậy trùm lên khuôn bánh. Có hẳn hoi một vầng trăng rằm to tướng màu trắng sữa nhô ra, rẽ quẩn quyện mờ mờ hơi nước.

Vắt người lên cây ghim mỏng dính, đong đưa lả lướt đã đời trên bàn xoay rồi cuối cùng vầng trăng mang tên bánh tráng cũng đậu lại, chọn nơi căng mình là mặt vỉ phơi.

Đừng tưởng vỉ là một bến đỗ tầm thường. Từ những mối đan lúc chặt lúc hở tạo thành bởi các nan tre, tôi nhận ra cả một nghệ thuật. Nghệ thuật giữ mà buông, buông mà giữ. Hèn gì nắng nóng bỏng làm vậy, gió lả lơi rù quyến làm vậy, mà bánh vẫn một mực thủy chung bám vỉ không rời.

Chắc nhắm khó tách rời đôi keo sơn này quá hoặc muốn thêm gia vị cho cuộc buông-giữ, tôi thấy người tráng bánh hàng xóm hay bôi lên mặt vỉ mới một lớp dầu ăn hoặc lớp nước cơm.

Đôi lúc dì bôi quá tay, vỉ đâm ra dễ tróc. Bánh vừa khô tới, chưa kịp gỡ đã rớt khỏi vỉ lăn lóc bay trên đất. Trách sao được người tráng bánh, khi đến số mệnh còn có lúc lỡ tay.

Huống hồ, nghệ thuật nào mà không tồn tại vài giới hạn. Khôn ngoan nắm níu nào mà không có lúc ngoài tầm với. Thôi thì cứ đổ thừa cho duyên số, cho ông tạo, để nhẹ nhàng cánh tay buông.

Mỗi lần biết tôi vô rẫy, mẹ lại nhắc chừng: “Nhớ mua cho ngoại ít bánh ướt”.

Mùi bột gạo xem vậy mà quấn quýt ám lấy ngoại, cả đời không quên được. Bao năm rồi từ dạo ngoại không còn ngồi bên lò bánh. Càng về khoảng cuối đời người phải chăng có những kí ức, những mùi vị càng trỗi dậy, càng khẩn thiết đòi được chạm lấy, được nếm lại thêm lần nữa.

Vì biết đâu… không phải lần cuối cùng.

Tôi đã không còn thắc mắc khi ngồi kể ra bao món lạ thức ngon, hỏi thích ăn gì, ngoại chỉ móm mém cái cười già nua: “Bánh ướt!”

Chắc rằng chỉ có hình thái nguyên sơ này của bánh tráng mới thỏa hết ngoại cơn khát thèm mùi bột. Khi mà giờ ngồi chật vật gỡ xấp bánh tráng nhúng nào ngoại cũng lăng lắc đầu: “Bánh gì trộn toàn bột năng, bột mì. Chán gì đâu!”

Biết làm sao. Khi dưới sức gió ào ạt từ mũi tên phát triển đang lao vun vút, có thứ gì không muốn được nhanh chóng sinh lời.

Gần đây ngoại không nhằn dữ nữa, dù cũng bắt đầu ngồi tách những miếng bánh ướt trộn đầy bột mì, mới nhón cầm thôi đã bết hết vào tay. Ngắt hẳn một nhúm bánh nhão nhoét, dính dấp cho lên đầu lưỡi, ngoại chắc là phải mượn thêm không ít từ kí ức để nhớ về mùi bột. Mùi bột của ngoại, mùi của một thời thơm tho đậm đà vị gạo, tình người.

Thế hệ nào rồi cũng vậy. Cũng sẽ đến lúc lạc thời. Đành chấp nhận chắt gạn chút hương phai nếu muốn tìm về kí ức.

Mẹ nói “máu bánh tráng” từ ngoại chắc chảy hết vào tôi.

Một chén mắm dầm đặc sệt ớt, một xấp bánh tráng nhúng. Bây giờ cũng như lúc nhỏ, chỉ cần nhiêu đó, tôi có thể dùng thay cơm được cả tuần.

Thử tưởng tượng trong buổi chiều lành lạnh gió bấc nào đó bên thềm lãn, bạn ngồi chấm mắm bánh tráng. Miệng hít hà cùng mấy miếng ớt đỏ lừ, cùng thao thiết mùi mắm, giữa dẻo dẻo, dai dai lại mằn mặn vị muối đặc trưng của bánh tráng miền Trung. Nếu còn được thêm rổ rau sống, dăm miếng ba chỉ luộc hay tô cá hấp thịt ngọt lịm nữa thì thôi rồi… Giả sử ai có đem trầu cau đứng trước ngõ lúc ấy thiệt tình chắc tôi cũng: “Phan phan*, chờ em cuốn xong miếng bánh này đã, hẵng hay...”

Đất xứ Phan chắc biết có đứa con ghiền bánh tráng tột độ như tôi nên ưu ái đem bánh tráng vào lủ khủ món ăn. Chả cuốn bánh canh, bánh hỏi lòng heo, gỏi cá mai,… Có món nào thiếu được cái bánh tráng mong mỏng mà cuộn hết vào lòng bao nhiêu hương vị.

Không chỉ bánh tráng sống, bánh tráng chín (bánh tráng nướng) còn tạo thành cả một “đặc sắc ăn vặt” với bất kỳ ai thích lê la lề đường, hè phố xứ Phan.

Google search ngay lượt đầu tiên, bạn đã thấy “bánh tráng mắm ruốc nướng Phan Rang” oách hết cỡ bên bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn, bánh tráng muối ớt,… vốn lừng lẫy những nơi nào đó.

Bánh tráng dùng cho món “đặc Phan Rang” này thường chỉ được tráng vừa tay. Vòng bánh nhỏ nhắn hơn nhưng bột đổ dày hơn bánh sống dùng để nhúng nước cuốn thường ngày.

Từ thời tôi còn là đứa gái nhỏ ôm cặp lóc cóc lội bộ đến lúc vi vu sau xe mẹ con nhỏ bạn tấp vào một quán bánh tráng bên đường, bánh tráng nướng đã qua quá trời biến thể.

Cái bánh tráng mè dày cui trở qua trở lại trên lửa đến vàng rộm được điểm giữa lòng vẻ ấm áp nâu của dích mắm ruốc*, sắc sảo đỏ của dăm lát ớt. Hay cái bánh cong vòng giòn rụm bên chén mắm mỡ hành xanh mướt mát, chấm vào tê nhừ đầu lưỡi vì béo, vì hôi hổi nóng một thời của lứa học trò 8X Phan Rang giờ ít thấy nữa.

Bánh tráng cũng cập nhật nhanh công nghệ, gia nhập thế giới phẳng bằng cách nướng phẳng lừ.

Mắm ruốc không dích cục lên bánh hay cho vào chén ăn kèm mà được thoa thành một lớp mỏng đều trên bánh cùng ít dầu ăn. Rồi lép bép cùng mặt bánh vàng giòn được hơ lại lần nữa trên ngọn lửa than là cơ man nào mắm me, tương ớt rồi hành lá xắt nhỏ đua nhau nhảy nhoi lên, đầy phấn khích.

Đó là tôi còn chưa nhắc đến loại bánh tráng nướng cuốn vòng trên lửa, gói vào bên trong không chỉ từng ấy thứ mà còn kèm thêm lòng trứng cút, chả lụa, nem chua,… cầu kỳ quá sức để được xem là một món ăn đường phố.

Lan man với những thứ, những món con người cách điệu ra từ bánh tráng, riêng trên đất Phan, bỗng thấy mong vô cùng một sớm mai lại thấy hàng vỉ bánh phơi trắng con hẻm không đầy hai chục thước. Lại được trả lời anh học trò nhỏ ngạc nhiên dỏng tai, chỉ: “Cái gì kêu lụp bụp, lụp bụp trên mấy cái vỉ dị*, cô?”

Âm thanh ấy. Âm thanh tiếng bánh tráng khô cựa mình trong nắng.

Chưa bao giờ tôi tha thiết mong được nghe lại như lúc này….

Người tráng bánh hàng xóm sẽ sớm trở về hẻm nhỏ, phải không?

--------------------

*phia: khuya( từ địa phương)

*dị: vậy( từ địa phương)

*phan phan: khoan khoan(từ địa phương)

*dích mắm ruốc: cục mắm ruốc

Phan Rang, 29/2/2016

Tin liên quan

Tin mới nhất

Quê hương tôi(27/04/2023 1:59 CH)

Tháng tư về trên thành phố(16/04/2023 2:05 CH)

Phan Rang Cát(05/04/2023 1:56 CH)

Lê Sa và những dòng thơ trân quý quê hương(14/05/2018 5:10 CH)

Trăng đắm(17/07/2017 4:07 CH)

61 người đang online
°