CÀ PHÊ "CÓC"

Đăng ngày 01 - 02 - 2016
Lượt xem: 219
100%

 

Tạp văn Bình Phương

 Không có tiếng chim gù vào những sớm mai. Vạt nắng cũng không được phối ngẫu thành những bông hoa nắng mà vuông vức hoặc thẳng băng. Không bon sai. Không du dương những khúc nhạc sang trọng.Và cũng không ẩn khuất những vách ngăn.

Tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy mặt nhau. Quen đến độ có thể nhận ra hôm nay, hay hôm qua có những ai là người mới.

Đầy đủ mọi thành phần, có cả những ông giám đốc gì đó, công nhân, viên chức, sinh viên hay học sinh, người bán vé số, và cả người xin ăn...

Những câu chuyện được “phối” một cách ngẫu nhiên, không đầu không cuối và cũng chẳng “họ hàng” gì với những câu chuyện kế bên. Có người lặng lẽ lắng nghe hoặc chạy theo những suy nghĩ của riêng mình hoặc bằng những thông tin báo chí khi mà họ thấy chán những rôm rả gió bay.

Chị chủ quán (kiêm nhân viên) ưa cười, giọng nói luôn được điều chỉnh y như chị đang nói trước ban giám khảo cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt, đôi mắt của chị một mí, người đẩy đà, chị để ý từng người khách của mình, thói quen của họ chị biết cả. Chị thường nhận xét họ qua việc thưởng thức cà phê và cách họ nói chuyện: “Anh chàng ngồi đằng trước thích uống cà phê nhiều sữa và nhìn cách anh ta nói chuyện cho thấy anh ta thích sự ngọt ngào có thiên hướng xu nịnh. Còn anh chàng da ngâm, trẻ, đôi mắt khá thu hút có vẻ phong trần, ngồi góc bên kia thích uống cà phê đen ít đường là người rất tinh tế, nhạy cảm và rất biết chia sẻ. Phía bên kia, cậu thanh niên có mái tóc ngô ngố kêu cà phê sữa “phình phường” rất “phình phường” (ý chị ta là bình thường) nhưng khá vui nhộn; cô bé ngồi cạnh cậu ta khuôn mặt ôvan (trái xoan) đôi mắt lúc nào cũng như đang cười, rất phiêu lưu, thích khám phá vì thỉnh thoảng ưa quan sát mọi người một cách kín đáo đặc biệt là quan sát anh chàng da ngâm ngồi góc kia. Cha nội bên tay trái hay nhìn ngang liếc dọc ăn to nói lớn uống toàn sữa nóng và tính tình nóng nảy, cố làm ra vẻ nhưng càng ra vẻ càng trống rỗng, cha ấy gian xảo ra mặt. Đại loại chị nhìn nhận theo cảm giác và cảm xúc của một người bán cà phê hè phố lâu năm cũng giống như chúng ta đi qua nhiều con đường nhiều lần đủ để biết nó như thế nào! Tất cả điều chị nói và diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ hàng ngày khá rõ ràng thi thoảng chị “pha” thêm chút ít thái độ càng làm nó sống động hơn…

Bỗng, một người đàn ông nói giọng “gà mái” đang nói như gào lên: “không có tiền, đi chỗ khác dùm, ban ngày thì giả đui giả mù, ban đêm đếm tiền thì mắt sáng rực”. Nhiều đôi mắt đổ dồn về phía người đàn ông ăn mặc đẹp, phốp pháp, đang đứng cạnh ông là một người gầy, già… hình như là xin ăn và ông ta bị mù. Ông già ăn xin dường như cố tìm đường thoát khỏi những lời của người đàn ông kia, ông ta quơ cây gậy theo phía không có tiếng người (và hình như lúc ấy chẳng có tiếng gì cả ngoài tiếng gậy quơ qua quơ lại). Nếu mắt ông ấy không bị mù thì chắc người ta sẽ thấy ông nghĩ gì sau câu nói ấy, không có giọt nước nào lăn ra từ hai hốc mắt khô queo trên khuôn mặt tóp teo kia. Nhưng nếu không bị mù thì cần gì ông ta phải nghe câu nói ấy! Tất cả mọi thứ im lặng đến vài giây khi anh thanh niên da ngâm dắt ông già ăn xin qua bên kia phố. Chẳng biết họ đi đâu? Chẳng biết họ có quan hệ gì? Có người nói họ là cha con, có người lại cho rằng họ là họ hàng… Nhưng trông thì họ chẳng họ hàng gì cả! Anh thanh niên nói giọng Bắc còn ông già lại giọng Nam, trông chẳng có nét nào bà con hết. Với lại đây là lần đầu tiên ông già có mặt ở đây và một điều chắc chắn rằng ông già không giả mù như người đàn ông có chất giọng gà mái kia nói! “Trông cái gã ấy mập mạp, giọng nói thì lí nhí tiếng được tiếng mất ắt hẳn là gian xảo, keo kiệt và thiếu đi tính đồng loại, kinh! Đâu phải họ hàng là mới giúp nhau, vả lại anh chàng ấy chắc không để cha mình đi xin ăn như thế!” Cô chủ quán tin là như vậy, cả cô bé khuôn mặt trái xoan kia cũng tin, đôi mắt cô nói lên điều ấy. Còn lại đều tin rằng không có ai tự nhiên lại tốt đến như vậy!

Loài người vẫn chuyển động như vốn dĩ phải thế! Chẳng ai khi không dừng lại, có chăng là xe mình hư, dép mình đứt, hay ai đó xấu số bị tai nạn họ dừng lại để xem (có khi chỉ xem như đúng nghĩa). Chẳng ai dừng lại để dắt tay một em bé hay một cụ già qua bên kia đường, vì họ cho rằng việc đó có những Thiên sứ của Thượng đế làm rồi. Vậy xem ra anh chàng da ngăm kia ắt hẳn là Thiên sứ... Chắc nhiều người hoài nghi điều đó ít ra là ở cái quán cà phê vỉa hè này!

Tin liên quan

Tin mới nhất

Quê hương tôi(27/04/2023 1:59 CH)

Tháng tư về trên thành phố(16/04/2023 2:05 CH)

Phan Rang Cát(05/04/2023 1:56 CH)

Lê Sa và những dòng thơ trân quý quê hương(14/05/2018 5:10 CH)

Trăng đắm(17/07/2017 4:07 CH)

9 người đang online
°