BÁC HỒ DÙNG TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ NÓI VỀ QUAN HỆ THỰC TIỄN CUỘC SỐNG – LÝ LUẬN, VIẾT LÁCH

Đăng ngày 29 - 11 - 2017
Lượt xem: 1.862
100%

 

Chúng ta đang thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tìm hiểu trong sách báo, bài nói chuyện của Bác Hồ, hầu như lĩnh vực nào, ngành nghề nào, Bác cũng viết và nói sâu sắc, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ. Trong đó thường khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, khi viết báo, viết sách về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức cách mạng, Bác Hồ vận dụng những câu tục ngữ, thành ngữ dân gian quen thuộc vào nội dung, từ đó bài nói chuyện, bài báo trở nên sinh động, gần gũi với mọi người.

Bài viết này giới thiệu cách Bác Hồ dùng tục ngữ, thành ngữ trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” nổi tiếng khi nói về quan hệ thực tiễn cuộc sống với lý luận, viết lách.

Đối với cán bộ tuyên truyền đường lối của Đảng, phổ biến chủ trương, phát động, kêu gọi phong trào…, Bác yêu cầu người cán bộ muốn tuyên truyền trước hết phải học mới làm được: “Một việc nữa cần nhắc đến là các ban huấn luyện. Huấn luyện là một việc rất cần. Tục ngữ có câu “không thầy đố mày làm nên” và câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. (Sửa đổi lối làm việc, NXB Sự Thật, tái bản lần thứ 5, 1951, trang 31).

Khi soạn thảo nội dung, chuẩn bị tuyên truyền, phải học cách viết, cách nói; Bác chỉ rõ, cán bộ tuyên truyền muốn thành công phải tìm đến nhân dân, học lời ăn tiếng nói ở trong quần chúng lao động: “Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 112).

Về việc soạn thảo văn bản chủ trương, chính sách, viết bài in báo, Bác yêu cầu cán bộ soạn thảo phải tìm hiểu, nghiên cứu thực tiễn cuộc sống, tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư của nhân dân: “Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 61). “Về việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu, tuyên truyền, làm báo tường, viết báo cũng như thế. Không chịu hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe, muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không lợi ích gì cả”. trang 31).

Về viết dài ngắn trong bài tuyên truyền, bài phát biểu, bài in báo, Bác phân tích rất khoa học vấn đề này. Bác phê bình cách viết dài nhưng không có nội dung thiết thực, không trọng tâm: “Viết làm gì dài dòng mà rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời là quyết không cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng trông thấy đã lắc đầu, còn ai dám xem nữa: kết quả chỉ để cho những người vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người viết”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 110).

Trong khi đó, Bác cũng chỉ ra rằng, tùy theo nội dung, tính chất sự kiện, công việc mà quyết định nói, viết dài, ngắn như thế nào cho phù hợp mà thôi: “Tục ngữ nói: “đo bò làm chuồng, đo người may áo”. Bất cứ việc gì cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy. Chúng ta chống nói dài viết rỗng, chứ không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 110).

Cuối cùng, Bác căn dặn kỹ lưỡng về việc kiểm tra nội dung trước khi phát biểu, tuyên truyền, in trên báo chí: “Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cho cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: “chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói”. Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại 3, 4 lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại 9, 10 lần”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 120).

Như vậy, chúng ta thấy Bác Hồ nói về mối quan hệ thực tiễn cuộc sống với lý luận, soạn thảo chủ trương, nội dung tuyên truyền, viết lách… rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng và sâu sắc, trong đó lại dùng những câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc trong dân gian đã làm cho bài viết của Bác thêm phần giản dị, nhẹ nhàng, dễ hiểu. Đó là phong cách độc đáo của Người.

Đình Hy

Tin liên quan

Tin mới nhất

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ SỰ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CÁCH MẠNG VIỆT NAM (09/07/2024 2:55 CH)

Chuyên đề năm 2024 Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước(02/02/2024 2:53 CH)

Chuyên đề năm 2023: HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG VĂN...(08/03/2023 9:47 SA)

Chuyên đề năm 2021: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự...(23/08/2021 2:39 CH)

Hội LHPN thành phố qua 03 năm triển khai thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị(21/04/2020 7:19 CH)

11 người đang online
°