Nhân vật lịch sử: cụ PHAN TRUNG (1814 – 1886)

Đăng ngày 17 - 06 - 2016
Lượt xem: 3.115
100%

 

PHAN TRUNG

(1814 – 1886)

                                                                        

Ông Phan Trung còn có tên là Phan Cư Chánh, hiệu Bút Phong (Tùng Phong), tự Tử Đơn, sinh năm Giáp Tuất (1814) tại làng Tấn Lộc, tổng Kinh Dinh, phủ Ninh Thuận (nay thuộc phường Tấn Tài, Phan Rang-Tháp Chàm). Ông là con trai thứ ba của ông Phan Lễ (tự Vân Nghi) và bà Hồ Thị Thuận (tự Nguyên Khương).

Năm Thiệu Trị nguyên niên (Tân Sửu 1841) ông thi đậu khoa Hương Tiến đầu tiên do triều đình mở tại An Giang và được bổ làm tri huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, Gia Định. Sau một thời gian làm quan xa nhà, lấy cớ còn mẹ già, ông cáo quan về quê để phụng dưỡng, sống an nhàn nơi thôn dã.

Năm Tự Đức thứ 14 (Tân Dậu 1861), Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam bộ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), triều đình Huế kêu gọi thân hào, nhân sĩ ở các tỉnh phía Nam mộ quân nghĩa dũng để phối hợp với quân Hoàng triều chống xâm lăng. Phan Trung liền hưởng ứng, tuyển mộ được hơn một ngàn người đặt thuộc quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Công Định.

Nhờ công lao mấy năm làm quan ở huyện Tân Thạnh và tuyển mộ nghĩa quân chống Pháp, triều đình phong cho ông làm Hàn lâm viện Điển tịch, một thời gian sau lại phong Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ.

Tình hình chiến sự ở Nam Kỳ mỗi ngày càng thêm nghiêm trọng, nên triều đình Huế buộc phải thương nghị với quân Pháp mong kết thúc chiến tranh và Hòa ước Nhâm Tuất (1862) đã ra đời (cắt 3 tỉnh miền Đông Nam bộ giao cho Pháp).

Phan Trung được triệu về kinh và được phong Hàn lâm viện Thị độc học sĩ, kiêm thêm chức Điển nông sứ tỉnh Khánh Hòa (bao gồm cả Khánh Hòa, Ninh Thuận và một phần Bình Thuận). Với chức vụ mới này ông trực tiếp về các phủ, cổ động dân chúng, mộ dân phu, hợp lực với các quan Doanh điền sứ địa phương hướng dẫn khai khẩn đất hoang, đào mương làm hệ thống tưới nước cho các cánh đồng hơn 2 ngàn mẫu đã trở thành phì nhiêu xanh tốt. Nhờ vậy, dân chúng từ Khánh Hòa đến Bình Thuận đều được no ấm an vui.

Ngoài công lao khai hoang, dẫn thủy, lo đời sống cho dân, trong thời gian này ông còn chăm lo tiếp tế lương thực cho các nhóm nghĩa quân chống Pháp, che chở cho các vị chỉ huy kháng chiến và những người yêu nước không chịu hàng Pháp từ miền Nam ra Bình Thuận, Ninh Thuận lánh nạn.

Năm Mậu Dần 1878, ông được đề bạt hàm Hộ bộ Tả thị lang, nhưng vẫn giữ chức Điển nông sứ tỉnh Khánh Hòa.

Có thêm chi tiết: Báo An ninh thế giới số 59 ra ngày 18/1/1998 bài “Ai là người đầu tiên tổ chức và chỉ huy mạng lưới tình báo chống Pháp?”, tác giả Mai Thanh Hải đã căn cứ vào các văn thư của triều đình nhà Nguyễn còn lưu lại ở văn khố của Tử Cấm Thành và cho biết vai trò Điển nông sứ của Phan Trung thực chất là Cục tình báo do đích thân vua Tự Đức ra lệnh tổ chức và trực tiếp khai thác, 18 năm Phan Trung lãnh đạo Điển nông sứ, thực ra là 18 năm tổ chức và chỉ huy mạng lưới tình báo đầu tiên chống giặc Pháp xâm lăng.

Năm Kiến Phúc nguyên niên (Giáp Thân 1884), do tuổi già sức yếu lại thấy quân Pháp ngày càng áp chế triều đình, nội bộ triều thần cũng ngấm ngầm tranh giành quyền lợi, quan lại ươn hèn khiếp nhược, muốn đầu hàng Pháp ngày càng đông, nên ông xin từ quan về quê nhà. Ông từ trần ngày 8 tháng 11 năm Bính Tuất (1886) thọ 72 tuổi.

Nguyên nhân cái chết của Phan Trung (theo Gia phả), sau khi ông xin về trí sĩ (1884) ở quê ở làng Tấn Lộc, đến năm Ất Dậu (1885) thời vua Hàm Nghi, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tổ chức cuộc đánh úp quân Pháp tại Huế bị bại lộ, kinh đô thất thủ, vua phải xuất bôn, chạy ra Tân Sở, Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương. Nhân dân khắp nơi rầm rộ hưởng ứng theo nghĩa quân Cần Vương nổi dậy anh dũng chống Pháp với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” và đã cầm chân được bọn xâm lược một thời gian.

Phan Trung  có người cháu ruột tên Phan Liền, tự Lành lãnh đạo nhóm nghĩa quân kháng chiến tại phủ Ninh Thuận, đặt căn cứ tại Hòn Bà và vùng rừng Mông Đức (Ninh Phước) đã nhiều lần đem quân đánh quân Pháp.

Do việc này, quan lại địa phương đã sớ tấu về Huế hặc tội ông. Triều đình Huế lúc bấy giờ từ vua Đồng Khánh đến quan lại đều thân Pháp, nên chúng đã triệu ông về kinh để thọ hình. Trên đường về kinh, ông cùng những người thân tín tùy tùng nghỉ chân tại vùng Ba Ngòi là nơi trước đây ông đã có công giúp dân khai hoang lập ấp, và từ trần tại đây.

Sau khi ông từ trần, nhờ có quan địa phương cảm kích về khí tiết và công lao đức độ của ông nên đã tâu về triều đình rằng ông bị bệnh trên đường về kinh, chạy chữa không khỏi nên đã chết tại Ba Ngòi.

Đến năm Thành Thái nguyên niên (Kỷ Sửu 1889) các địa phương mang ơn ông về công nghiệp khai hoang, thủy lợi đã làm tờ trình về triều đình xin phong sắc về thờ tại các đình làng để hằng năm tế tự tưởng nhớ công ơn.

Cuộc kháng chiến của người cháu là Phan Lành sau đó cũng thất bại. Pháp và bọn Việt gian đem quân bao vay Mông Đức, Hòn Bà nhiều ngày và cuối cùng đã bắt được Phan Lành. Quân giặc đã chặt đầu ông đem bêu tại cây Me chợ Phan Rang 3 ngày đêm để thị uy dân chúng. Phan Lành hi sinh vào trung tuần tháng 8 năm 1889.

-TRẦN ĐÌNH THÂN-

(Trích từ tạp chí “Phan Rang trên đường phát triển”- UBND Thành phố PR-TC phát hành năm 2007}

                                                                                                 

Tài liệu tham khảo:

-Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế, Nxb KHXH, 1992, trang 726.

-Non nước Ninh Thuận, Nguyễn Đình Tư.

-Gia phả họ Phan, do ông Phan Cang lập năm 1934 để tại nhà Từ đường họ Phan ở làng Tấn Lộc.

-Báo An ninh thế giới số 59 ngày 18/1/1998.

Tin liên quan

Tin mới nhất

PHAN RANG - THÁP CHÀM XƯA VÀ NAY (26/07/2022 8:10 SA)

SÔNG, HỒ, KÊNH, MƯƠNG, ĐẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PHAN RANG -THÁP CHÀM(26/11/2017 4:37 CH)

HỆ THỐNG TÊN ĐƯỜNG PHỐ PHAN RANG - THÁP CHÀM(26/11/2017 4:36 CH)

Nhân vật lịch sử: Nhà thơ NGUYỄN NHƯỢC THỊ (1830-1909)(23/10/2016 3:17 CH)

Nhân vật lịch sử: cụ NGUYỄN HỮU HƯƠNG (1894 – 1961)(17/06/2016 2:40 CH)

94 người đang online
°