Nhân vật lịch sử: Nhà thơ NGUYỄN NHƯỢC THỊ (1830-1909)

Đăng ngày 23 - 10 - 2016
Lượt xem: 824
100%

Bà Nguyễn Nhược Thị tên thật là Nguyễn Thị Bích, tên đầy đủ là Nguyễn Nhược Thị Bích, thường gọi và ghi trong sử sách là Nguyễn Nhược Thị, tự là Lang Hoàn; là tác giả của tác phẩm thơ Hạnh Thục ca trong văn học cận đại Việt Nam.

 

Nguyễn Nhược Thị sinh tại làng Đông Giang, huyện An Phước, phủ Ninh Thuận (nay thuộc phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm). Bà là con gái thứ 4 của ông Nguyễn Nhược Sơn, nguyên là Bố chính tỉnh Thanh Hóa và bà Thục nhân họ Nguyễn.

Nhờ tư chất thông minh, lại được đi học ngay từ nhỏ nên Nguyễn Nhược Thị sớm nổi tiếng về tài văn chương. Vừa có tài sắc lại được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử, năm 18 tuổi (1848) bà được tuyển vào cung. Trong một buổi ngâm vịnh, vua Tự Đức xướng đề thơ Tảo Mai (Hoa mai sớm nở), bài họa của bà được vua khen, tặng 20 nén bạc, cho sung chức Thượng nghi Viên sư để dạy học trong nội cung. Sau đó, bà lần lượt được phong: Tài nhân (1850), Mỹ nhân (1860), rồi Quý nhân. Năm 1868, bà được tấn phong là Lục giai Tiệp dư. Trong khoảng thời gian bà được cử làm thầy dạy "kinh điển và dạy tập nội đình" cho Đồng Khánh khi ông chưa lên ngôi nên trong cung người ta còn gọi bà là Tiệp Dư Phu Tử. Chính vì vậy bà được vua Tự Đức tin cậy, yêu mến, thường cho cùng đi trong những buổi vua đến vấn an và những cuộc trao đổi riêng với mẹ là Thái hậu Từ Dũ về công việc trong triều, trong hoàng tộc, những diễn biến của đất nước; một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Nhược Thị trở thành Bí thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà biết được nhiều điều trao đổi giữa Thái hậu và vua Tự Đức.

Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), mọi ý chỉ sắc dụ của Lưỡng Tôn cung (chỉ Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Chính phi Trang Ý) đều do một tay bà soạn thảo.

Trong thời kỳ "tứ nguyệt tam vương" (bốn tháng ba vua), cũng như những người ở nội cung, Tiệp dư Nguyễn Nhược Thị phải chịu sự chuyên chế của hai phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong việc phế lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc. Tháng 7 năm 1885 (Ất Dậu), cuộc phản công của phe chủ chiến đánh Pháp ở Kinh thành Huế thất bại. Phụ chính Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, bà hộ giá Tam cung chạy theo vua (đoàn chỉ đến Tân Sở rồi trở lại Khiêm Lăng – Huế). Không lâu sau, vì hoàn cảnh quá khổ sở, khó khăn, Tam cung trở lại Hoàng cung, chịu sự quản chế của Pháp.

Năm 1892, Nguyễn Nhược Thị được Thái Hoàng Thái hậu Từ Dũ tấn phong làm Tam giai Lễ tần. Năm 1909, bà qua đời tại Huế, thọ 79 tuổi. Lăng mộ bà hiện ở làng Dương Xuân Thượng, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện nay, tại đình làng Tây Giang, Phan Rang – Tháp Chàm có thờ vọng anh linh của bà. Hậu duệ đời thứ tư của bà Nguyễn Nhược Thị là ông Nguyễn Nhược Hồng hiện ở thôn An Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước.

Sáng tác thơ văn: Nguyễn Nhược Thị có một số bài thơ chữ Hán và từ sự kiện hộ giá phò vua Hàm Nghi và Tam cung ra Quảng Trị này, bà sáng tác tác phẩm thơ Hạnh Thục ca (còn có tên Loan dư Hạnh thục quốc âm ca) bằng chữ nôm. Tác phẩm dài 1.036 câu theo thể thơ lục bát, phần lớn kể lại mọi biến cố xảy ra từ khi quân Pháp sang đánh chiếm Việt Nam cho đến khi Thành Thái lên nối ngôi vua, qua đó nói về tình hình đất nước. Đây là một tác phẩm rất có giá trị về mặt sử liệu của một giai đoạn lịch sử. Trong tác phẩm có một số đoạn thơ thể hiện sự phẫn nộ của bà về việc Pháp chiếm nước ta, mô tả tình cảnh Triều đình Huế di tản ra khỏi Kinh thành:

- Pháp sang chiếm Nam kỳ:

Lạ thay cái nước Pháp Lan,

Băng ngàn vượt biển lướt sang dòm hành.

Thẳng vào Gia Định tung hoành,

Cậy nghề tàu súng phá thành như chơi.

- Vua hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế:

Vua tôi hoảng hốt vội vàng,

Hỗ phù Thánh giá một đoàn kíp ra

Tới nơi Cửa Hữu xem qua,

Hai bên lê thứ trẻ già quá đông

Chen nhau dìu dắt mang bồng

Chực theo Từ giá thoát vòng nguy nan.

-----------------------------------------------------------

Tin liên quan

Tin mới nhất

PHAN RANG - THÁP CHÀM XƯA VÀ NAY (26/07/2022 8:10 SA)

SÔNG, HỒ, KÊNH, MƯƠNG, ĐẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PHAN RANG -THÁP CHÀM(26/11/2017 4:37 CH)

HỆ THỐNG TÊN ĐƯỜNG PHỐ PHAN RANG - THÁP CHÀM(26/11/2017 4:36 CH)

Nhân vật lịch sử: cụ NGUYỄN HỮU HƯƠNG (1894 – 1961)(17/06/2016 2:40 CH)

Nhân vật lịch sử: cụ PHAN TRUNG (1814 – 1886)(17/06/2016 2:40 CH)

25 người đang online
°