ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG CHO HỌC SINH TRONG NGÀY KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI
Hiện nay, việc ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đối với người dân nói chung còn rất thấp, nhất là việc chấp hành luật giao thông của học sinh còn hạn chế. Điều này chính là nguy cơ tiềm ẩn rất cao về tai nạn giao thông, đặc biệt trong những ngày khai giảng của năm học mới luôn là đề tài vô cùng nan giải khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ. Thực trạng này luôn kéo dài trong nhiều năm qua và tồn tại nhiều rủi ro cho thế hệ học sinh nên đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh là điều vô cùng cấp thiết.
Page Content
Đảm bảo an toàn giao thông để học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui không phải trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của từng cá nhân, của các ban ngành và toàn xã hội. Do vậy, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Công an hàng năm vào tháng 9 trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 và cũng là thời điểm khai giảng năm học mới cho học sinh, Cục cảnh sát giao thông đã chỉ đạo toàn quốc tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường-Tháng 9” được đảm bảo tuyệt đối.
Tuy nhiên tình hình an toàn giao thông trên cả nước nói chung và các tỉnh nói riêng vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Nguyên nhân chủ yếu là ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông còn hạn chế, nhất là các em học sinh. Hành vi vi phạm khi tham gia giao thông của học sinh thường sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, chưa đủ tuổi, đi xe đạp, xe máy dàn hàng ngang và đùa nghịch, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông....Bên cạnh đó, kỹ năng tham gia giao thông của các em còn nhiều hạn chế, chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về quy định an toàn giao thông, chưa được học và thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất cao về tai nạn giao thông.
Do vậy, Ban an toàn giao thông các tỉnh thành trong cả nước trong thời gian qua luôn xác định đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên, quyết liệt và đồng bộ với nhiều giải pháp tích cực nhằm chuyển biến tai nạn giao thông trên địa bàn của tỉnh. Như việc phát huy sức mạnh của ngành giáo dục xây dựng văn hóa tự giác, phổ biến kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cần thiết cho lứa tuổi học sinh trong nhà trường, phối hợp lực lượng công an để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục, tăng cường sự phối hợp giữa các Sở ngành trong công tác nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, tuyên truyền và hướng dẫn học sinh và phụ huynh các kỹ năng tham gia giao thông an toàn như đi bộ, sang đường và nhất là phụ huynh không nên giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Phụ huynh học sinh nhà trường vận động cha mẹ học sinh nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, có biện pháp quản lý và ký cam kết không giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi; Phối hợp các ngành, đoàn thể và lực lượng công an xã phường, thị trấn và chính quyền địa phương cùng Ban giám hiệu nhà trường triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp nhằm đảm bảo trật tự, ATGT tại các tuyến đường tập trung nhiều trường học, tại khu vực cổng trường…Phát huy mô hình “Cổng trường An toàn giao thông” tại các trường học, huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, tổ tự quản tại trường học với quyết tâm đảm bảo an toàn giao thông, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trong dịp lễ khai giảng năm học mới.
Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng - Nhà trường - Gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh về ATGT với khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội” là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh thì mỗi người dân hãy thực hiện tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đồng thời hãy là một tuyên truyền viên tích cực góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông cho học sinh các cấp trung học, tiểu học nói riêng, tích cực góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh./.
Phạm Thị Xuân Hương - TTVH Tỉnh