Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những kết quả tích cực, giúp cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất để nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo
Tỉnh Ninh Thuận có 33 dân tộc sinh sống với khoảng 600 nghìn người trên diện tích tự nhiên 3.358 km2. Ðây là địa phương thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình hạn hán hằng năm, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, khiến cho đời sống của một bộ phận người dân tại các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Hậu cho biết: Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức học tập, quán triệt tinh thần của chỉ thị đến toàn thể Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể; các huyện, thành phố, đồng thời, Tỉnh ủy còn ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 23/4/2015 và Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 22/7/2021 để lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm các nội dung, nhiệm vụ Chỉ thị số 40-CT/TW đề ra.
Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lê Minh Lộc: Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành, hoạt động tín dụng chính sách xã hội có những chuyển biến rõ rệt. Ðáng chú ý, với sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc… giúp cho hoạt động ngân hàng ngày càng nâng cao, nguồn vốn tín dụng không ngừng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng.
Cùng với đó, công tác bình xét cho vay luôn được chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo, cho nên quá trình bình xét cho vay luôn đúng đối tượng thụ hưởng, bảo đảm theo tinh thần, chủ trương của Ðảng, Chính phủ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm, đưa nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, từ đó đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sâu sát hơn. Tại huyện Thuận Bắc, ngoài việc ban hành các văn bản, chương trình, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện còn tạo điều kiện cho hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội nằm trên địa bàn được thuận lợi hơn về tổ chức cân đối, bố trí vốn ủy thác sang ngân hàng để bổ sung nguồn lực cho vay.
Ðến tháng 6/2024, thông qua 18 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, toàn huyện có 57.396 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, chiếm 65,4% tổng số hộ dân trên địa bàn với dư nợ là 437 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và các nguồn lực khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương từ 3,5%-4%/năm.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của tỉnh tăng hơn 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành, nâng tổng dư nợ toàn tỉnh lên 3.736 tỷ đồng, với hơn 82.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ; đã giúp hơn 73.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 53.600 lao động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, 43.600 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng hơn 116.880 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh, có 8.234 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở...
Cùng với quá trình giải ngân, công tác lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao kỹ thuật luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện thường xuyên; nhiều hộ đã biết cách làm ăn, đầu tư sản xuất đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ðiển hình như anh Trương Văn Hiền ở thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào lập nghiệp, phát triển hiệu quả kinh tế hộ từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
Anh Trương Văn Hiền chia sẻ: “Mấy năm trước, tôi vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư cây, con giống thực hiện mô hình Chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Nhờ áp dụng kiến thức tiếp thu được qua các lớp tập huấn, cho nên mô hình đã đem lại thành công nhất định. Hiện nay, tôi đang nuôi 4 con bò, trồng 3 sào táo (3.000 m2). Cùng với đó, tôi còn là người thu mua táo của người dân địa phương, kết hợp với mở cửa hàng tạp hóa, thu nhập ngày càng tăng cao, đời sống gia đình được cải thiện nhiều và vươn lên là hộ khá giả tại địa phương”.
Ðồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: “Từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa, trồng măng tây xanh ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm; sản xuất nho, táo an toàn theo hướng VietGAP; mô hình “Nuôi bò vỗ béo”, “Nuôi bò sinh sản”... Qua thực tế sản xuất, vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 4,21% hộ nghèo, 31/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Hậu cho rằng: “Chỉ thị số 40-CT/TW, đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, các hộ vay cũng đã hiểu rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia vay vốn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong toàn tỉnh”.