Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kèm theo Hướng dẫn số 166-HD/BTGTU, ngày 11/7/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Đăng ngày 24 - 07 - 2024
Lượt xem: 1.086
100%

 

 I- QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN; CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Tuyên truyền các quan điểm phát triển

1.1. Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021-2030, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030; phù hợp với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021; bảo đảm tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với hệ thống quy hoạch cấp quốc gia.

1.2. Phát triển nhanh gắn liền với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0”, phát triển bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh;

1.3. Phát huy lợi thế địa lý của tỉnh là cửa ngõ kết nối các vùng để đẩy mạnh liên kết phát triển giữa Ninh Thuận với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Nam vùng Tây Nguyên và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng;

1.4. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, khác biệt về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên, lịch sử truyền thống cách mạng, bản sắc văn hoá; tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và giá trị khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

1.5. Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn giáo dục, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật với thị trường lao động; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi và vùng ven biển;

1.6. Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường;

1.7. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.

2. Về tầm nhìn chiến lược đến năm 2050:

 “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

3. Các mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2030:

3.1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp lý đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

          3.2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:

- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10 -11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng. Tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 53 - 54%; khu  vực dịch vụ khoảng 34 - 35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12 - 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2 - 3%. Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 50% và tiếp tục duy trì mức trên trung bình của cả nước các năm tiếp theo.

- Về xã hội: Dân số tăng bình quân khoảng 1,89%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 - 80%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%. Chỉ số phát triển con người (HDI) bằng mức trung bình cả nước. Về tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia: (i) Mầm non: 50,2%; (ii) Tiểu học: 85,8%; (iii) Trung học cơ sở: 74,6%; và (iv) Trung học phổ thông: 69,2%. Duy trì 100% số đơn vị cấp xã và 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2. Số giường bệnh/vạn dân đạt 35 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 11 bác sĩ. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 55 - 56%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn mới) giảm bình quân 1,5- 2%/năm và đến năm 2030 còn dưới 1,5%.

- Về tài nguyên và môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức khoảng 49%. Tỷ lệ dân số đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%, trong đó tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%; có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; bảo đảm 100% nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn tương đương với chất lượng nước thải ra nguồn tiếp nhận dùng cho mục đích sinh hoạt.

- Về phát triển kết cấu hạ tầng: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng các chỉ tiêu đối với từng đô thị trong tỉnh. Hoàn thành xây dựng cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh. Nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quốc lộ bảo đảm kết nối, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III trở lên. Nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường tỉnh đạt tối thiểu cấp IV trở lên; 100% tuyến đường tỉnh, đường địa phương được thảm bê tông nhựa hoặc láng nhựa, bê tông xi măng. Phát triển hệ thống cảng biển Ninh Thuận, gồm khu bến Cà Ná và khu bến Ninh Chữ là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực với chức năng bến cảng tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí. Đầu tư Cảng Hàng không Thành Sơn. Phấn đấu khoảng 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, khoảng 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có ít nhất 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hạ tầng thông tin và truyền thông tỉnh Ninh Thuận cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện hạ tầng 4G, phát triển hạ tầng 5G tại các khu đô thị, khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh.

- Về quốc phòng, an ninh: Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế trận quốc phòng – an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

4. Tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển

4.1. Các nhiệm vụ trọng tâm

- Giải quyết các khó khăn, vướng mắc có tính chất liên ngành trong quá trình phát triển thông qua việc đánh giá thực trạng phát triển cũng như tích hợp các định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương.

- Đề xuất các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách.

- Đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cho các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh.

- Đề xuất các giải pháp quy hoạch phát triển về năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản; kinh tế biển và kinh tế đô thị.

4.2. Các đột phá phát triển

- Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đòn bẩy phát triển trên cơ sở kế thừa những giải pháp đã mang lại hiệu quả trong giai đoạn vừa qua; đồng thời xây dựng giải pháp mới để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hoá thông tin để thu hút đầu tư.

- Đẩy mạnh phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khung tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, trong đó ưu tiên các hạ tầng giao thông, truyền tải năng lượng, thuỷ lợi cấp nước, xử lý nước thải và hạ tầng đô thị.

- Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất, đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc chuyển đổi số và sàn giao dịch điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp…; ứng dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như khắc phục những hạn chế nội tại của tỉnh; đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào sản xuất phù hợp với những đặc thù và lợi thế riêng của tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho những ngành quan trọng như: năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và các ngành khác nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

II- PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH QUAN TRỌNG

1. Phát triển 05 nhóm ngành đột phá quan trọng gồm:

- Phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo: Phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…). Phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

- Phát triển các ngành du lịch chất lượng cao: Phấn đấu đến năm 2030, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. Du lịch Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phát triển theo hướng “Bền vững – Chất lượng cao - Độc đáo”; vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao đối với các khu vực trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch hiện có và biến những hạn chế thành tiềm năng du lịch khác biệt; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ. Phát triển tập trung vào các khu vực dọc theo dải ven biển làm động lực với các lợi thế tiềm năng hiện có như vịnh, bãi tắm. Bên cạnh đó, ưu tiên chú trọng các khu vực đặc thù khác như: các cồn cát, khu vực sản xuất muối theo định hướng sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, khác biệt. Tạo dựng các liên kết phát triển du lịch nội vùng và liên vùng, đặc biệt là liên kết giữa Nha Trang - Đà Lạt - Ninh Thuận, trong đó phát triển Ninh Thuận là một trong những điểm đến quan trọng trong vùng.

- Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 40% giá trị GRDP toàn tỉnh, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 25-30%. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến các sản phẩm đặc thù, tổ hợp sản xuất hóa chất sau muối để khai thác lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu vực cảng biển và trung tâm logistics theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh.

- Phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 7-8% GRDP của tỉnh. Phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu. Ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực, gồm: huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam với các vùng sản xuất tôm giống; các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam và Bác Ái với các vùng sản xuất rau, cây ăn quả, nho, sản xuất mía đường.

- Phát triển ngành xây dựng và thị trường bất động sản: Phấn đấu đến năm 2030, ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 19-20% GRDP toàn tỉnh. Phát triển ngành xây dựng đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của đô thị - nông thôn đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, có bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững, đa dạng các loại hình bất động sản nhà ở, thương mại, du lịch, công nghiệp,… phù hợp nhu cầu của thị trường với chất lượng tốt và giá cả hợp lý; ứng dụng công nghệ vào xây dựng, quản lý, kinh doanh bất động sản góp phần hiện đại hóa ngành xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng ngày một phát triển.

2. Phát triển các ngành, lĩnh vực khác: (1) Phát triển giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; (2) phát triển lĩnh vực lao động việc làm và an sinh xã hội; (3) phát triển y tế; (4) phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ; (5) phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao; (6) phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông; (7) Quốc phòng, an ninh.

3. Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: (1) Tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh theo 04 vùng lãnh thổ, 03 vùng động lực, 03 hành lang phát triển. (2) Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023-2030 và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030.

4. Các phương án khác: Quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phát triển các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phát triển hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

III- CÁC NHÓM GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư: Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.

3. Nhóm giải pháp về môi trường, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh. Phát triển hệ thống mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ. Xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số; tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, quan trắc môi trường tự động, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.

4. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển: Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số; thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với địa phương khác.

5. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn: Kiểm soát chặt quỹ đất rừng, tài nguyên môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phụ tình trạng đầu cơ đất đai.

6. Giải pháp nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước: Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

7. Thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2024) (03/10/2024 2:08 CH)

Đề cương tuyên truyền trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2025(17/09/2024 8:32 SA)

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)(10/09/2024 8:15 SA)

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) và 55...(14/08/2024 3:31 CH)

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945: BƯỚC NGOẶC VĨ ĐẠI TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM(09/08/2024 10:11 SA)

35 người đang online
°