SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 THÀNH PHỐ PHAN RANG – THÁP CHÀM

Đăng ngày 01 - 03 - 2024
Lượt xem: 1.154
100%

 

         I. Quá trình hình thành thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và các phường

         Trước giải phóng (16/4/1975), Phan Rang-Tháp Chàm được phân chia thành 2 đơn vị hành chính: thị trấn An Sơn là quận lỵ quận Bửu Sơn (đóng tại phường Đô Vinh ngày nay), thị xã Phan Rang là tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận. Sau giải phóng, Phan Rang-Tháp Chàm có 9 phường: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Thanh Phong, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long và Tấn Tài. Từ tháng 2/1976 - 4/1977, Phan Rang - Tháp Chàm là tỉnh lỵ của tỉnh Thuận Hải cũ (đến tháng 6/1977 tỉnh lỵ chuyển về thị xã Phan Thiết). Ngày 27/4/1977, thực hiện Nghị quyết số 124/CP của Hội đồng Chính phủ, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm được chia tách ra thành 2 thị trấn: thị trấn Phan Rang (gồm 6 phường: Phủ Hà, Thanh Sơn, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long và Tấn Tài) là huyện lỵ huyện Ninh Hải và thị trấn Tháp Chàm (gồm 3 phường: Đô Vinh, Bảo An và Phước Mỹ) là huyện lỵ huyện An Sơn (sau này là huyện Ninh Sơn).

          Thực hiện Quyết định số 45/QĐ/HĐBT, ngày 1/9/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), thị xã Phan Rang - Tháp Chàm được tái lập gồm 9 phường, 3 xã (trong đó 06 phường của thị trấn Phan Rang là: Phủ Hà, Thanh Sơn, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long và Tấn Tài; 03 phường của Tháp Chàm là Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ) và 03 xã của huyện Ninh Hải: Văn Hải, Thành Hải, Khánh Hải. Đến năm 1983, sáp nhập thêm 2 xã Đông Hải và Mỹ Hải của huyện Ninh Hải. Đến kỳ họp thứ 10, ngày 26/12/1991, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, tỉnh Ninh Thuận được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/4/1992; thị xã Phan Rang - Tháp Chàm trở lại vị trí tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận, gồm có 9 phường và 4 xã (xã Khánh Hải đã chuyển giao về huyện Ninh Hải năm 1991).

           Ngày 25/12/2001, thực hiện Nghị định số 99/2001/NĐ-CP của Chính phủ, sau khi thành lập và điều chỉnh địa giới hành chính các phường, xã, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm có 15 đơn vị hành chính (gồm 12 phường: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Thanh Sơn, Kinh Dinh, Mỹ Hương, Tấn Tài, Đạo Long, Đài Sơn, Mỹ Đông, Đông Hải và 3 xã:  Văn Hải, Mỹ Hải, Thành Hải.)

          Ngày 2/2/2005, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 132/QĐ-BXD công nhận thị xã Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị loại III.

            Ngày 8/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2007/NĐ-CP về thành lập thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận. Ngày 21/01/2008, các phường Mỹ Hải, Mỹ Bình và Văn Hải được thành lập. Hiện nay, có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 phường và 01 xã. Ngày 26/02/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg công nhận thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Thuận.

          * Đối với phường Kinh Dinh và Tấn Tài

Năm 1832, nhà Nguyễn thành lập phủ Ninh Thuận gồm huyện An Phước và Tuy Phong. Trong đó, huyện An Phước có 4 tổng (Đức Lân, Kinh Dinh, Lương Tri, Vạn Phước), địa bàn Phan Rang-Tháp Chàm hiện nay cơ bản nằm trong tổng Kinh Dinh (tổng Kinh Dinh gồm 20 thôn, 2 xã), có 2 địa danh liên quan việc sáp nhập hiện nay (phường Kinh Dinh và phường Tấn Tài), thời điểm đó là xã Kinh Dinh và thôn Tấn Tài.

Sau ngày giải phóng, Kinh Dinh và Tấn Tài được đổi thành phường Kinh Dinh và phường Tấn Tài. Năm 1977, phường Kinh Dinh và phường Tấn Tài được sáp nhập vào huyện Ninh Hải để thành lập thị trấn Phan Rang- là huyện lỵ huyện Ninh Hải. Năm 1981, tái lập thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, Kinh Dinh và Tấn Tài trở lại là một phường của thị xã và duy trì đến hôm nay.

Như vậy, tên gọi “Kinh Dinh” và “Tấn Tài” được nhắc đến từ thế kỷ XIX, trong đó “Kinh Dinh” vừa được đặt tên cho một Tổng và là tên của một xã; “Tấn Tài” là tên gọi của một thôn.

* Đối với  phường Mỹ Hương

Theo Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, trang 287: “Năm 1969, xã Phan Rang có 6 ấp gồm Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long, Thanh Phong, Tấn Tài, Phủ Thành”. Sau ngày giải phóng, ấp Mỹ Hương được đổi thành phường Mỹ Hương. Năm 1977, phường Mỹ Hương được sáp nhập vào huyện Ninh Hải để thành lập thị trấn Phan Rang là huyện lỵ huyện Ninh Hải. Năm 1981, tái lập thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, Mỹ Hương trở lại là một phường của thị xã và duy trì đến hôm nay.

* Đối với phường Thanh Sơn, phường Phủ Hà.

Trước năm 1975, địa bàn phường Thanh Sơn hiện nay gọi là ấp (thôn) Thanh Phong. Sau ngày giải phóng, thành lập phường Thanh Sơn trên cơ sở sáp nhập thôn Thanh Phong và thôn Đài Sơn, xã Khánh Hải. Năm 1977, phường Thanh Sơn được sáp nhập vào huyện Ninh Hải để thành lập thị trấn Phan Rang là huyện lỵ huyện Ninh Hải. Năm 1981, tái lập thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, Thanh Sơn trở lại là một phường của thị xã. Năm 2008, điều chỉnh một phần diện tích của xã Mỹ Hải về phường Thanh Sơn.

 Trước năm 1975, địa bàn phường Phủ Hà hiện nay gọi là ấp (thôn) Phủ Thành. Sau ngày giải phóng, được đổi thành phường Phủ Hà. Năm 1977, phường Phủ Hà được sáp nhập vào huyện Ninh Hải để thành lập thị trấn Phan Rang, là huyện lỵ huyện Ninh Hải.

Năm 1981, tái lập thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, Phủ Hà trở lại là một phường của thị xã. Năm 2001, điều chỉnh một phần diện tích của phường Phủ Hà về phường Phước Mỹ quản lý. Phường Phủ Hà duy trì cho đến hiện nay.

II. Sự cần thiết của việc sắp xếp đơn vị hành chính

- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tinh giản biên chế và giảm bớt chi ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tiết kiệm được quỹ đất làm trụ sở để sử dụng vào việc khác đang cần thiết; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo điều kiện cho việc đầu tư, xây dựng đồng bộ về hạ tầng cơ sở vật chất trên địa bàn thành phố.

- Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn thành phố sẽ góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt công tác lập kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội mang tính dài hạn, tập trung nguồn lực mở rộng không gian phát triển, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân; đồng thời, tạo động lực cho địa phương chủ động trong việc sắp xếp, bố trí cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong thời gian tới.

III. Căn cứ pháp lý

-  Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14.

- Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022).

- Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

- Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

IV. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp

- Hợp nhất 03 phường Kinh Dinh, Mỹ Hương, Tấn Tài thành đơn vị hành chính mới (có diện tích tự nhiên là 3,488 km2, đạt 63,42 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 24.656 người, đạt 352,22% so với tiêu chuẩn).

           *Cơ sở và lý do của việc sắp xếp: Phường Tấn Tài, phường Kinh Dinh và phường Mỹ Hương là 03 địa phương có địa giới hành chính giáp ranh, có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng; thuận tiện cho việc giao thông, đi lại cho Nhân dân sau khi thực hiện sắp xếp; có nhiều nét văn hóa, tập quán tương đồng, là vùng lõi có tính chất đô thị cổ của thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, là vùng thuận lợi cho phát triển đô thị trong thời gian tới.

- Hợp nhất 02 phường Phủ Hà, Thanh Sơn thành đơn vị hành chính mới (có diện tích tự nhiên 2,397 km2, đạt 43,58% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 23.957 người, đạt 342,24% so với tiêu chuẩn)

*Cơ sở và lý do của việc sắp xếp: Phường Thanh Sơn và phường Phủ Hà là 02 phường có địa giới hành chính giáp ranh, thuận tiện trong việc giao thông, đi lại cho nhân dân sau khi thực hiện sắp xếp; mặt khác 02 địa phương này có nhiều nét văn hóa, tập quán tương đồng, là vùng thuận lợi cho phát triển đô thị trong thời gian tới, nhất là phát triển mạnh về thương mại - dịch vụ, du lịch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng phù hợp theo định hướng phát triển chung của thành phố.

         V.  Hiệu quả khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

- Việc nhập phường sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tinh giản biên chế và giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; qua đó, tạo điều kiện để quản lý, thực hiện các quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai theo quy hoạch, quản lý cơ sở hạ tầng đô thị, quản lý dân cư, quản lý địa bàn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tốt hơn…Trong quá trình sắp xếp bộ máy, sẽ lựa chọn được những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tín nhiệm để bố trí đảm nhận các chức danh đảm bảo đúng theo quy định; góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Sau khi sắp xếp sẽ giảm được 03 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời giảm chi ngân sách nhà nước sẽ tập trung được nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và tạo ra động lực, môi trường và điều kiện cho sự phát triển hơn nữa của kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố nói chung và của địa phương nói riêng theo hướng kinh tế đô thị gắn với dịch vụ, thương mại; cùng theo đó là sự đáp ứng tốt hơn về cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, thông tin liên lạc và các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế cho người dân.

Có điều kiện để rà soát và thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho phát triển đô thị trong thời gian tới, nhất là phát triển mạnh về thương mại - dịch vụ, du lịch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng phù hợp theo định hướng phát triển chung của thành phố.

- Việc nhập phường sẽ kết hợp hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác an ninh chính trị, trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững do đã bố trí công an chính quy. Đối với Ban chỉ huy quân sự phường, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ dân phố sau khi được kiện toàn sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

- Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công được thực hiện thông suốt, đồng bộ do được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; chất lượng công chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được quan tâm bố trí. Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức của các phường sau khi sắp xếp vững vàng, kiên định về chính trị tư tưởng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình phục vụ Nhân dân, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong điều hành quản lý.

- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có quy mô nhỏ thành đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, vị trí địa lý để phát triển. Tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào sự thành công của cải cách hành chính tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khu phố.

 


De cuong TT sap xep don vi hanh chinh GD 2023-2025.mp3

Tin liên quan

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI...(27/03/2024 8:18 SA)

KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG (03/3/1959 - 03/3/2024) 35 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG...(28/02/2024 9:18 SA)

ĐỀ ÁN TỔ CHỨC THÍ ĐIỂM TUYẾN PHỐ ĐI BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PRTC(26/02/2024 3:47 CH)

ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ PHAN RANG –THÁP CHÀM GIAI ĐOẠN 2023 – 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM...(15/02/2024 9:40 SA)

ĐỀ CƯƠNG TUYỆN TRUYỀN KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM CỦA TỔ...(08/01/2024 3:40 CH)

Tin mới nhất

Triển khai thực hiện Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam” trên địa bàn thành phố...(19/04/2024 8:22 SA)

V/v tuyên truyền lấy ý kiến cử tri dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...(11/04/2024 3:42 CH)

Dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh...(08/04/2024 9:01 SA)

Về việc triển khai lấy ý kiến cử tri Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai...(08/04/2024 9:05 SA)

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI...(27/03/2024 8:18 SA)

29 người đang online
°