Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Kế hoạch số 179/KH-TLĐ, ngày 03/3/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 và Hướng dẫn số 117-HD/BTGTW ngày 02/10/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tuyên truyền Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028, đến ngày 04/11/2023, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn trong cả nước đã tổ chức thành công đại hội theo đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ và mục tiêu đề ra.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ được tổ chức từ ngày 01 - 03/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII có 1.100 đại biểu chính thức đại diện cho 11 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và đại diện các tổ chức công đoàn quốc tế.
Đại hội diễn ra vào thời điểm đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển trong bối cảnh mới, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.
Đại hội thảo luận, thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; quyết định các chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trong nhiệm kỳ 2023 - 2028; thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; tổng hợp kiến nghị của đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước với Đảng, với Nhà nước về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động. Tổ chức các diễn đàn tại Đại hội; Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội; Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội, bế mạc Đại hội.
I. ĐẠI HỘI ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LẦN THỨ XII (2018 - 2023)
Các cấp công đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động
Tập hợp kiến nghị, phát huy trí tuệ của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn trong góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tổng Liên đoàn đã ban hành trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật. Tham gia xây dựng, hoàn thiện 15 báo cáo thực thi Công ước quốc tế của Chính phủ, 02 hồ sơ đề xuất gia nhập Công ước 98, Công ước 105 của ILO. Khẳng định vai trò của công đoàn các cấp trong các hội đồng, ban chỉ đạo, ủy ban, các cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động, đặc biệt đã thể hiện vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, 5 năm qua, đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%.
Hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động ở các cấp công đoàn được chú trọng, có bước phát triển mới
Chương trình “Tết Sum vầy” giai đoạn 2018 - 2022 đã góp phần chăm lo cho 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động trong dịp Tết, với tổng số tiền hơn 28 nghìn tỷ đồng; Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp hơn 14 nghìn đoàn viên, người lao động được xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỉ đồng; Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” đã được các cấp công đoàn ký kết 2.840 thỏa thuận hợp tác với các đối tác để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa với giá ưu đãi cho 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hưởng lợi với tổng số tiền 1.400 tỷ đồng.
Công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để lại nhiều dấu ấn
Tổng Liên đoàn đã ban hành nhiều văn bản kịp thời chỉ đạo các cấp công đoàn và đoàn viên, người lao động tham gia phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người lao động; triển khai các gói hỗ trợ dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên bị ảnh hưởng do dịch bệnh; ban hành Nghị quyết hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19... với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.
Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục tiếp tục được quan tâm đổi mới, góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động
Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các hoạt động của tổ chức công đoàn gắn với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 và Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các cấp công đoàn tổ chức tốt hoạt động sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW, biểu dương, khen thưởng 133 tập thể, cá nhân tiêu biểu cấp Tổng Liên đoàn.
Tháng Công nhân hàng năm được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, đổi mới, sáng tạo, hướng về cơ sở như: Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề quan tâm, bức xúc của người lao động; hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, đối thoại giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động; Chương trình “Đối thoại tháng 5”, diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”… học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; phối hợp với VTV3 xây dựng và phát sóng 41 Chương trình “Giờ thứ 9+”; tổ chức Giải vô địch bóng đá Công nhân lao động toàn quốc là những điểm nhấn ý nghĩa, thiết thực phục vụ đoàn viên, người lao động. Công tác truyền thông về tổ chức công đoàn được quan tâm và có bước đột phá, góp phần quảng bá hình ảnh của tổ chức công đoàn, từng bước đẩy lùi thông tin xấu, độc, xuyên tạc về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn. Công tác tuyên truyền được thể hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả như: ứng dụng công nghệ số, internet, mạng xã hội…
Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị được tập trung triển khai
Công tác phát triển đoàn viên công đoàn được triển khai với nhiều giải pháp mới, đạt một số kết quả quan trọng, 5 năm qua đã kết nạp mới 4.460.933 đoàn viên; thành lập 24.320 công đoàn cơ sở. Tính đến tháng 6/2023, cả nước có 11.072.214 đoàn viên và 123.129 công đoàn cơ sở (tăng hơn 1 triệu đoàn viên và giảm 3.000 công đoàn cơ sở so với đầu nhiệm kỳ). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đoàn viên tiếp tục được triển khai với hơn 7,2 triệu đoàn viên có thông tin được cập nhật trên hệ thống.
Tích cực giới thiệu cho Đảng nhiều đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, xem xét kết nạp, từ năm 2018 đến nay, các công đoàn cơ sở đã giới thiệu được hơn 700 nghìn đoàn viên ưu tú (tăng 1,8 lần so với nhiệm kỳ trước), hoàn thành vượt chỉ tiêu của Nghị quyết. Số đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam là gần 400 nghìn đoàn viên (tăng 1,4 lần so với nhiệm kỳ trước).
Phong trào thi đua yêu nước của Công đoàn được triển khai sâu rộng, thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức
Nổi bật là phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” gắn với phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” được cán bộ, công chức, viên chức”... Triển khai nhiều phong trào thi đua hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, như “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, cụ thể hóa bằng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “01 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đã sớm đạt mục tiêu với nhiều sáng kiến có giá trị, ý nghĩa xã hội lớn. Giai đoạn 2018-2023, đã có 2.889.318 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới mang lại giá trị làm lợi 163.724 tỷ đồng, Tổng Liên đoàn đã tặng thưởng 5.233 Bằng Lao động sáng tạo. Các phong trào thi đua chuyên đề “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh- Sạch- Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Văn hóa, thể thao” tiếp tục được đổi mới về cách thức triển khai, sát với điều kiện thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn” được phát động cùng với việc ban hành “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” đã tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ công đoàn cả nước phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và sự tâm huyết, đóng góp cho sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn
Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của tổ chức công đoàn được tăng cường triển khai theo hướng linh hoạt, thích ứng với tình hình mới
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết về công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, xác định những vấn đề then chốt trong quan hệ quốc tế, nghiên cứu thí điểm tập hợp, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc hợp pháp tại nước ngoài. Chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các diễn đàn quốc tế, các hoạt động công đoàn quốc tế theo cơ chế đa phương. Tham gia có trách nhiệm trong thực hiện các nghĩa vụ quốc tế; phát huy vai trò quan trọng trong Liên hiệp Công đoàn Thế giới. Hợp tác hiệu quả với các tổ chức công đoàn khu vực và quốc tế, Tổ chức Lao động Quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Công tác quản lý tài chính, tài sản được quan tâm, tạo nguồn lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn
Tổng Liên đoàn đã ban hành chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp áp dụng cho các cấp công đoàn và triển khai mới hệ thống phần mềm kế toán công đoàn trên toàn quốc; ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn, ban hành hướng dẫn chế độ kế toán mới. Đẩy mạnh nhiều giải pháp quản lý thu kinh phí công đoàn hiệu quả, tỷ trọng thu đoàn phí công đoàn có chuyển biến tích cực theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Việc phân phối và sử dụng nguồn tài chính công đoàn được thực hiện minh bạch, theo hướng tăng dần cho công đoàn cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở. Dự toán chi tài chính Công đoàn giao từ năm 2022 đã nâng tỷ lệ kinh phí công đoàn cơ sở được sử dụng lên đến 75% tổng số thu kinh phí công đoàn, vượt trước 3 năm theo tinh thần Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn.
Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh
Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động; can thiệp giúp người lao động trở lại làm việc, hạ mức kỷ luật; kiến nghị xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, kiểm tra 890.432 cuộc, giám sát 166.263 cuộc, giải quyết 3.741 đơn khiếu nại, 248 đơn tố cáo, can thiệp cho 5.950 người được trở lại làm việc, 1.168 người được hạ mức kỷ luật, hơn 27 nghìn người được giải quyết về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng... Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai thường xuyên trong các cấp công đoàn.
Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới
Công tác chỉ đạo điều hành, lề lối làm việc có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; công tác chỉ đạo và tổ chức hoạt động ngày càng linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu cụ thể của tình hình thực tiễn. Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu giúp Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và tập trung chỉ đạo thực hiện. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công nhân, hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức công đoàn tiếp tục được quan tâm, có bước phát triển. Thực hiện cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực của hoạt động công đoàn, thích ứng với bối cảnh tình hình mới. Các quy chế, chương trình phối hợp giữa tổ chức công đoàn với Chính phủ, các ban, bộ ngành, đoàn thể trung ương, cấp ủy, chính quyền tại địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được tăng cường, phát huy, góp phần tạo sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ, kịp thời, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.
* Đánh giá chung:
Năm năm qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Quy mô tổ chức được mở rộng, chất lượng một số mặt công tác được nâng lên, trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ động, linh hoạt; đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước.
* Dự báo tình hình quốc tế và trong nước
Thời gian tới, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ diễn ra phức tạp, gay gắt hơn; cục diện đa cực ngày càng rõ nét. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Phong trào công nhân quốc tế và hoạt động công đoàn các quốc gia dự báo sẽ gặp khó khăn, có nơi bị thoái trào; tỷ lệ người lao động tham gia công đoàn ở một số nước có xu hướng giảm sút.
Trong nước, Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ; công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục được đẩy mạnh trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng già hóa dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp… bốn nguy cơ Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn, có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa đánh giá đúng vai trò, vị thế và đóng góp của người lao động trong các thành tựu mà đất nước đạt được. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Công đoàn và đất nước ta.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều, tạo sự thay đổi lớn về lao động và quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động, làm thay đổi môi trường hoạt động, đối tượng tập hợp và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Cơ cấu lao động tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ, phân tầng xã hội rõ ràng hơn. Sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các địa phương tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động khu vực phi chính thức dự báo tiếp tục tăng, tạo sức ép về nhu cầu phát triển hạ tầng và giải quyết các vấn đề xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta nhìn chung còn thấp, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề.
Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế. Hoạt động công đoàn sẽ hướng mạnh vào đối thoại, thương lượng. Sự xuất hiện của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động công đoàn. Luật Công đoàn năm 2012 sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm phát huy vai trò, vị thế của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới, đảm bảo tính tương thích với các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bối cảnh trên đòi hỏi các cấp công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hoạt động công đoàn tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy nhu cầu, lợi ích của đoàn viên, người lao động làm căn cứ xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động; khơi dậy, phát huy mạnh sức sáng tạo mạnh mẽ, tinh thần cống hiến của đoàn viên, người lao động trong thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ KHÂU ĐỘT PHÁ NHIỆM KỲ 2023-2028
1. Mục tiêu
Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.
2. Chỉ tiêu phấn đấu
2.1. Chỉ tiêu hàng năm
- 85% trở lên đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
- 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.
- 100% chủ tịch công đoàn cơ sở bầu mới được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp.
- Ít nhất 80% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; ít nhất 80% công đoàn cơ sở khu vực nhà nước và 55% công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Ít nhất 80% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp đúng tiến độ; ít nhất 10% công đoàn cơ sở doanh nghiệp được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát tài chính.
2.2. Chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ
- Cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên.
- Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
- Ít nhất 90% số vụ việc tranh chấp tại tòa án của đoàn viên có yêu cầu đại diện công đoàn tham gia hoặc hỗ trợ về pháp lý được đáp ứng.
3. Khâu đột phá
(1) Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
(2) Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
(3) Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
III. TẬP TRUNG THỰC HIỆN TỐT NHIỆM VỤ ĐẠI DIỆN, CHĂM LO, BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG, GÓP PHẦN NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CỦA ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn.
Phối hợp thực hiện và giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, người lao động, nhất là trong việc tham gia tố tụng giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại tòa án.
Theo chức năng, nhiệm vụ, ở từng cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để làm tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Nâng cao hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động
Triển khai toàn diện các hoạt động chăm lo, đảm bảo phúc lợi, duy trì việc làm, nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động.
Tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách pháp luật, quan hệ lao động, an toàn vệ sinh lao động.
IV. NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG; ĐỔI MỚI TỔ CHỨC CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC
1. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam
Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống báo chí, xuất bản, truyền thông của tổ chức công đoàn chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn.
Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Tổ chức khoa học, đồng bộ công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội ở các cấp công đoàn.
Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đoàn viên, người lao động; tích cực tham gia xây dựng văn hóa công nhân, văn hóa doanh nghiệp.
Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động.
2. Đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước
Đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, hướng về cơ sở, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác.
Tăng cường tuyên truyền nêu gương, nhân rộng điển hình tiên tiến; đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch trong khen thưởng
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng sáng tạo, công tâm, trách nhiệm, đảm bảo đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
V. XÂY DỰNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VỮNG MẠNH; THU HÚT, TẬP HỢP ĐÔNG ĐẢO NGƯỜI LAO ĐỘNG GIA NHẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
Tập trung thực hiện tốt công tác đoàn viên
Nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở về mọi mặt.
Đẩy mạnh sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy các cấp công đoàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, đồng bộ
Hoàn thiện công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn theo hướng thực chất, khách quan, công bằng.
Quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách và chủ tịch công đoàn cơ sở.
Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, giáo trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo hướng chuẩn hóa, khoa học, thực tiễn, thống nhất, sáng tạo.
VI. THAM GIA XÂY DỰNG GIAI CẤP CÔNG NHÂN HIỆN ĐẠI LỚN MẠNH, XÂY DỰNG ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
Phát huy vai trò của Công đoàn Việt Nam trong tập hợp, đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Tham gia phát triển việc làm bền vững cho công nhân.
Tiếp tục phát huy hiệu quả, đẩy mạnh các hoạt động của Tháng Công nhân, làm cho toàn xã hội quan tâm đề cao, tôn vinh người công nhân.
Đẩy mạnh hoạt động công đoàn tham gia xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên.
Tăng cường sự chủ động của tổ chức Công đoàn trong tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
VII. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC NỮ CÔNG; THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI; BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA LAO ĐỘNG NỮ VÀ TRẺ EM; XÂY DỰNG GIA ĐÌNH NO ẤM, TIẾN BỘ, HẠNH PHÚC VÀ VĂN MINH
Nâng cao chất lượng hoạt động của công tác nữ công công đoàn các cấp.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nữ công nhân lao động và trẻ em
Phát triển các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong nữ đoàn viên, người lao động.
Tổ chức các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trong đoàn viên, người lao động.
Thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em, chú trọng các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con công nhân, lao động.
Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ
VIII. ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ, TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại trong hệ thống công đoàn.
Chủ động, tích cực mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại nhân dân
Khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để đổi mới tổ chức và nội dung phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu, tham mưu về đối ngoại.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Chú trọng công tác đào tạo cán bộ và đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện các hoạt động đối ngoại
IX. XÂY DỰNG NGUỒN TÀI CHÍNH ĐỦ MẠNH ĐỂ THỰC HIỆN TỐT NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Xây dựng tài chính công đoàn phát triển bền vững.
Tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh tế, đơn vị sự nghiệp công đoàn, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
X. NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO; ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT, GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN
1. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công đoàn
Bảo đảm tính xuyên suốt, hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn. Quán triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam
Coi việc đổi mới phương thức hoạt động công đoàn là một trong những nhiệm vụ sống còn của tổ chức trong bối cảnh mới.
Tiếp tục cụ thể hóa phương thức hoạt động công đoàn bằng quy chế, quy định, quy trình cụ thể và công khai để cán bộ, đoàn viên biết, giám sát việc thực hiện.
Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của các cấp công đoàn theo hướng thiết thực ngắn gọn, khả thi, sát thực tiễn
Đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Nâng cao chất lượng công tác phối hợp với Chính phủ, các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội;
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, triển khai đề án chuyển đổi số rộng rãi trong tổ chức công đoàn, góp phần tạo đột phá trong phương thức chỉ đạo, điều hành hoạt động công đoàn
2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn, phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong xây dựng tổ chức công đoàn. Giải quyết và tham gia giải quyết đơn thư về quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và người lao động.
Tập trung kiểm tra, giám sát việc cụ thể hóa và kết quả thực hiện chỉ đạo của công đoàn cấp trên, kiểm tra tài chính công đoàn cơ sở; xây dựng cơ bản, công tác cán bộ. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra của công đoàn các cấp.
XI. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
1. Nghị quyết đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Chương trình nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 – 2028.
3. Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
4. Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028.
5. Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn.