Chùa Ông – Tín ngưỡng của người Hoa trên đất Ninh Thuận - di tích kiến trúc nghệ thuật - điểm đến của du lịch tâm linh

Đăng ngày 24 - 10 - 2022
Lượt xem: 1.851
100%

Chùa Ông- một di tích thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, nằm trên đường Thống Nhất,phường Kinh Dinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Đây là cơ sở thờ Đức Quan Thánh của cộng đồng người Hoa có kiến trúc đặc sắc phản ảnh đỉnh cao kỹ năng xây dựng đình chùa của cư dân địa phương vào cuối thế kỷ XIX. Chùa Ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng xếp hạng di tích Quốc gia vào ngày 14/4/2011. Chùa Ông với kiến trúc đẹp nằm giữa trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là điểm đến tham quan của du khách gần xa mỗi khi có dịp đến thăm Ninh Thuận.

 

Sự có mặt của người Hoa ở Việt Nam là một quá trình có nguồn gốc từ mối quan hệ địa lý, do lịch sử chiến tranh phong kiến, hoặc các quan hệ văn hóa, thương mại giữa hai nước. Qua các tư liệu lịch sử cho thấy người Hoa có mặt tại vùng đất phương Nam nước ta từ thửa sơ khai khẩn hoang lập ấp của chúa Nguyễn, từ đó cuộc sống của họ đã gắn liền người Việt. Quá trình tụ cư của người Hoa tại Ninh Thuận vẫn tiếp diễn đến đầu thế kỷ 20 ở một số hộ. Đến nay có khoảng  hơn 3.000 người; Cùng với lịch sử hình thành của một vài chùa, miếu của người Hoa còn tồn tại trong tỉnh, có thể xác định là người Hoa đến Ninh Thuận làm ăn vào khoảng giữa đầu thế kỷ 19.

Dù đã gắn bó chặt chẽ với cộng động người Việt, nhưng cũng như bao người Hoa di cư khác trên khắp các đô thị Việt Nam, nhớ quê hương họ đã xây dựng những chùa, miếu, trường học theo kiểu người Hoa nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và học tập trong cộng đồng. Lịch sử hình thành chùa Ông ở Phan Rang phần nào phản ánh quá trình hình thành cộng đồng người Hoa sống giữa lòng người Việt trên mảnh đất Ninh  Thuận.

          Theo các bia ký tại chùa cho thấy đồng bào Hoa từ các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu di dân đến Ninh Thuận vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1831, bà con lập miếu thờ ngài Quan Công biểu thị lòng trung nghĩa nhằm mục đích động viên cộng đồng Hoa kiều đoàn kết, trung thực, hiếu nghĩa.

      Xưa kia, Chùa Ông chỉ là ngôi miếu có qui mô xây dựng nhỏ, là nơi thờ Quan Công (Quan Đế hay Quan Vân Trường - một vị công thần thời Hán) và có tên là Miếi Quan Công nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người Hoa đến Ninh Thuận lập nghiệp. Điều này trong bia ký thời Quang Tự, niên hiệu vua ở Trung Quốc, năm Canh Tỵ (1893), ghi công quả trùng tu lần thứ nhất có xác định nơi đây là một Đế Miếu nhưng không rõ được xây dựng năm nào. Căn cứ sắc phong của thời vua Thiệu Trị thứ năm (1846),  thể nói ngôi miếu đã được xây dựng muộn nhất vào thời Minh Mạng.

Vào năm 1909, Chùa Ông được trùng tu, xây dựng lại lớn hơn và giữ nét kiến trúc đặc trưng cho đến bây giờ. Trong diện tích khoảng 400m2, Chùa Ông nổi bất với kiến trúc đẹp rất riêng theo phong cách kiến trúc và văn hóa tín ngưỡng của người Hoa, với cấu trúc kiến trúc xây dựng theo hình chữ Tam, 3 gian. Hệ thống cột kèo đều được chạm khắc với những hình khắc đẹp tinh xảo. Trên mái chùa, hoa văn chạm khắc cũng được trau chuốt, với hình lân, phụng và hoa lá rất sắc nét. Trong Chùa, ngoài bệ thờ để thờ cúng, còn có các liễn thờ, sắc phong từ thời Vua Thiệu Trị được giữ lại nguyên vẹn. Công trình kiến trúc của Chùa Ông gồm ba nếp nhà chính nằm song song tạo thành hình chữ tam: Tiền Đường, Đại sảnh Đường và Hậu Cung thông thương nhau bởi các Nhà Cầu (nhà phụ dùng làm hành lang) được bố trí chừa ra các khoảng sân lộ thiên dùng làm nơi bày trí cây cảnh, đồng thời đón nhận ánh sáng tự nhiên chiếu rọi không gian bên trong chùa. Tiền Đường, Đại sảnh Đường và Hậu Cung đều là những ngôi nhà ba gian, có mái lợp ngói ống, diềm mái gắn ngói thanh lưu li. Toàn bộ công trình gây ấn tượng ban đầu cho người xem bởi sắc màu đỏ là gam màu chủ đạo được phủ lên từng hàng cột, các thanh xà, các hoành tạo nên vẻ đẹp rực rỡ, uy nghiêm và rất hài hòa với màu sắc của các họa tiết vẽ trên tường, các mảng điêu khắc trang trí ở cửa võng, ván mê, khám thờ …Nghệ thuật vẽ tranh trên tường được các nghệ nhân bố trí ở mặt trong và mặt ngoài hai vách đầu hồi của Tiền Đường, Đại sảnh Đường, Hậu Cung đều có gắn các hình tượng "Lưỡng long tranh châu", chim phụng, con lân, người múa, hoa lá đắp nổi cùng với các họa tiết hoa dây hoặc trang trí bằng các nhóm tượng gồm hình người tạo cho hệ thống mái của ngôi chùa thêm sinh động, cổ kính.

Các tác phẩm điêu khắc gỗ với kỹ thuật kết hợp chạm lộng và chạm nổi được thể hiện ở các khám thờ, cửa võng, ván mê, đầu dư của các thanh xà … cho thấy tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân.Các đồ án trang trí gắn liền các đề tài Khổng giáo và Lão giáo, được thể hiện mang đậm bản sắc văn hóa Trung Quốc. Các đồ án trang trí còn được lưu giữ đã phản ảnh tín ngưỡng, tư tưởng của cộng đồng người Hoa thời bấy giờ đến ngụ cư sinh sống.

Những năm thuộc triều đại Cộng hòa Trung Hoa (1912 - 1916) cộng đồng người Hoa tiếp tục vận động đóng góp trùng tu xây dựng thêm 02 nếp nhà là Tiền Đường và Đại sảnh Đường có kiểu kiến trúc, điêu khắc rất hài hòa với "Công sở Quỳnh phủ" tạo nên một tổng thể kiến trúc thống nhất và đổi tên là "Quỳnh phủ Hội Quán". Trong quá trình thi công đợt trùng tu này, người Hoa đã đưa một số vật liệu, thợ thiết kế, hội họa, điêu khắc từ Hải Nam sang cùng với nhân công, nghệ nhân người địa phương chung sức dựng nên. Hoạt động của "Hội Quán Quỳnh phủ" ngày càng nặng về tín ngưỡng hơn là một cơ sở hành chính dưới triều các vua sau cùng của Nhà Nguyễn và người dân đã quen gọi là chùa Ông từ lúc nào không rõ.

Trên nóc chùa được trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu; các mái được chạm khắc lân, phụng, hoa lá đường nét sinh động, sắc màu tươi thắm. Chùa Ông còn lưu trữ nhiều vật dụng thờ cúng cổ có giá trị về nghệ thuật đúc đồng, gốm sứ, liễn thờ. Và bốn sắc phong của các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh.

Chùa Ông diễn ra các hoạt động tế lễ hàng năm vào các ngày 13 tháng Giêng âm lịch cúng “Đào viên kết nghĩa”; ngày 13 tháng năm âm lịch vía Quan Bình; ngày 24 tháng sáu vía Ngài Quan Thánh. Đặc biệt vào đêm Giao thừa, người Hoa địa phương đến thắp hương cầu mong quốc thái dân an, gia đình làm ăn thịnh vượng trong năm mới.

Năm 1996 Chùa Ông được tu sửa, thay lại phần mái ngói, sơn vẽ lại các hoa văn trang trí và lát gạch nền nhưng không làm hỏng đi những giá trị nguyên gốc.

Ngày nay, bên cạnh vị Thần chính được thờ là Quan Thánh Đế Quân, chùa Ông còn Thờ Đức Phật Di Lặc (một vị thần linh trong đạo Phật được thể hiện theo kiểu Trung Quốc).

Chùa còn lưu giữ 4 sắc phong thuộc triều nhà vua Thiệu Trị, Tự Đức và Đồng Khánh. Đồng Khánh năm thứ hai (1887) thần được phong tặng "Dực Bảo Trung Hưng Đế Quân".

Chùa Ông là nơi còn duy trì các sinh hoạt, tín ngưỡng mang sắc thái của cộng đồng người Hoa từ khi đến Ninh Thuận lập nghiệp: các lễ hội truyền thống; tổ chức lớp học tiếng Hoa trong cộng đồng...đã góp phần làm phong phú hình thái văn hóa trong các dân tộc ở Việt Nam. Hiện nay, hằng năm Chùa Ông  tổ chức lễ cúng "Đào viên kết nghĩa" ngày 13/1 âm lịch, mang ý nghĩa tưởng nhớ Quan Công, Chu Xương và Quan Bình kết nghĩa ở vườn đào trong giai thoại về Quan Công, đồng thời ca ngợi công đức khí tiết các vị công thần thời Hán. Dịp này hầu hết bà con người Hoa thuộc các Bang đều về dự. Lễ vật cúng gồm heo, dê, gà, vịt, bánh mứt, hoa quả.

      Ngoài ra vào ngày 13/5 âm lịch vía Quan Thái Tử (Quan Bình) và ngày 24/6 âm lịch vía Ngài Quan Thánh. Tháng 7 âm lịch cúng chay lễ vu lan, hai năm tổ chức một lần vào năm chẵn, năm lẻ được tổ chức cúng ở Chùa Bà Thiên Hậu (tại Dư Khánh, thị trấn Khánh hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) theo truyền thuyết là một vị phúc thần bảo vệ các thương nhân trên biển - tổ chức lễ cúng mời các Hòa thượng tụng kinh, đọc sớ cầu an. 30/10 âm lịch là cùng vía Châu tướng quân (Chu Xương).

      Đây là cơ sở thờ Đức Quan Thánh của cộng đồng người Hoa có kiến trúc đặc sắc phản ảnh đỉnh cao kỹ năng xây dựng đình chùa của cư dân địa phương vào cuối thế kỷ XIX.

 

Tin liên quan

Đình Đài Sơn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh(06/11/2023 1:58 CH)

Chùa cổ Mỹ Thiện(04/10/2023 9:20 SA)

Miếu Năm Bà – Phường Bảo An – Tp. PRTC, tỉnh Ninh Thuận được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh .(13/03/2023 4:32 CH)

ĐÌNH VĂN SƠN- NGÔI ĐÌNH CỔ 130 TUỔI VẪN ĐẸP RỰC RỠ VỚI THỜI GIAN(11/11/2022 4:00 CH)

Di tích Đình Văn Sơn – phường Văn Hải(10/07/2016 2:47 CH)

Tin mới nhất

Đình Đài Sơn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh(06/11/2023 1:58 CH)

Chùa cổ Mỹ Thiện(04/10/2023 9:20 SA)

Miếu Năm Bà – Phường Bảo An – Tp. PRTC, tỉnh Ninh Thuận được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh .(13/03/2023 4:32 CH)

ĐÌNH VĂN SƠN- NGÔI ĐÌNH CỔ 130 TUỔI VẪN ĐẸP RỰC RỠ VỚI THỜI GIAN(11/11/2022 4:00 CH)

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh: Miếu Hòa Xuân(01/11/2016 3:19 CH)

17 người đang online
°