Sơ lược lịch sử Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm

Đăng ngày 23 - 12 - 2021
Lượt xem: 10.138
100%

 

 
 

Sơ lược lịch sử Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm

Khi tiếp cận địa danh Phan Rang – Tháp Chàm, tên hành chính của thành phố thuộc tỉnh Ninh Thuận hiện nay, nhiều người chưa rõ vì sao có cách ghép như vậy; lại có nhiều cách giải thích khác nhau. Sau một thời gian tìm hiểu trong tư liệu, xin trình bày sơ lược đến quý độc giả rằng: Phan Rang – Tháp Chàm có một lịch sử xuất hiện, thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau.

Về vị trí thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, phía Bắc giáp huyện Bác Ái và huyện Ninh Hải, phía Tây giáp huyện Ninh Sơn, phía Nam giáp huyện Ninh Phước, phía Đông giáp biển Đông.

Theo tài liệu lịch sử, địa danh Phan Rang xuất phát từ địa danh người Chăm gọi là Pangdarang hay Pandaran. Từ thế kỷ XV về sau, trong các sách, các bản đồ cổ ghi: Bang Đô Lang, Bang Đồ Long, Phan Lung, Phan Lang, Man Rang, Ran Ran... Từ điển Việt – Chăm, Inưlang Piêt – Chăm, NXB Khoa học Xã hội năm 1996 ghi: Phan Rang 1/ Phun Darang, Pang Darang. 2/ Ding.

Cũng có cách giải thích, từ Panduranga người Việt gọi thành Phan Rang. "Panduranga, hay theo cách viết của người bản xứ là Panran"[1]. Tuy nhiên địa danh Panduranga xưa là chỉ cả vùng rộng lớn Ninh Thuận, Bình Thuận đến giáp Đồng Nai hiện nay.

Địa danh hành chính đạo Phan Rang xuất hiện từ năm 1697, thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. "Năm Đinh Sửu (1697) đặt phủ Bình Thuận, lấy đất phía Tây Phan Rang làm 2 huyện Yên Phúc và Hòa Đa lệ vào, lại đặt dinh Bình Thuận cho trấn Thuận Thành lệ vào; đặt 4 đạo: Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài”[2].

Địa danh hành chính tỉnh Phan Rang xuất hiện năm 1901 khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Phan Rang, tỉnh lỵ cũng là Phan Rang.

Địa danh hành chính thị xã Phan Rang xuất hiện năm 1917, được thành lập theo Dụ của vua Khải Định.

Địa danh hành chính ghép là thị xã Phan Rang - Tháp Chàm xuất hiện năm 1948 do chính quyền Cách mạng tỉnh đặt. Trước năm 1948, toàn tỉnh Ninh Thuận chia thành 5 vùng Hành chính để điều hành chống Pháp. "Tháng 8 năm 1948, vùng 5 được đổi thành thị xã Phan Rang – Tháp Chàm; địa danh Phan Rang – Tháp Chàm chính thức biết đến từ đó"[3].

Trong kháng chiến chống Pháp, có thời kỳ các phường thuộc Phan Rang – Tháp Chàm được đặt tên theo số 1, 2, 3... "Năm phường gồm: phường 1 (Tấn Tài A, B), phường 2 (Đạo Long, Kinh Dinh), phường 3 (Củ Quy, Xóm Động, Thành Cũ, Hà Thanh, Phong Dinh), phường 4 (Mỹ Đức, Phước Đức), phường 5 (Bảo An, Đô Vinh)"[4].

Thời kỳ chính quyền Sài Gòn quản lý, Phan Rang và Tháp Chàm riêng biệt, sách Non nước Ninh Thuận, tác giả Nguyễn Đình Tư viết: Năm 1969 xã Phan Rang có các ấp: Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long, Thanh Phong, Tấn Tài, Phủ Thành[5].

Từ thời phong kiến các Chúa Nguyễn cho đến trước năm 1975, Phan Rang luôn là lỵ sở của phủ, đạo, rồi tỉnh Ninh Thuận.

Từ 1976 đến 1991, khi tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải thì Phan Rang – Tháp Chàm trở thành thị xã thứ 2 thuộc tỉnh Thuận Hải sau thị xã Phan Thiết. Trong giai đoạn này có 4 năm Phan Rang và Tháp Chàm tách thành 2 thị trấn. Ngày 27 tháng 4 năm 1977, Chính phủ lập 2 huyện mới Ninh Hải và An Sơn thuộc tỉnh Thuận Hải, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm chia 2 thành thị trấn Phan Rang, huyện lỵ của huyện Ninh Hải và thị trấn Tháp Chàm, huyện lỵ của huyện An Sơn. Thị trấn Phan Rang có 6 phường của thị xã cũ: Mỹ Hương, Tấn Tài, Kinh Dinh, Thanh Sơn, Phủ Hà, Đạo Long; thị trấn Tháp Chàm có 3 phường của thị xã cũ: Đô Vinh, Bảo An và Phước Mỹ.

Đến năm 1981, theo Quyết định số 45/HĐBT ngày 1 tháng 6 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm được tái lập trở lại, đồng thời với việc tái lập 3 huyện là: Ninh Phước, Ninh Hải và Ninh Sơn trên cơ sở 2 huyện An Sơn và Ninh Hải. Lúc này thị xã Phan Rang - Tháp Chàm gồm 9 phường: Bảo An, Đô Vinh, Phước Mỹ, Phủ Hà, Thanh Sơn, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long, Tấn Tài, và 3 xã: Văn Hải, Khánh Hải và Thành Hải.

Năm 1982, xã Mỹ Hải và xã Đông Hải (của huyện Ninh Hải) sáp nhập vào thị xã Phan Rang - Tháp Chàm theo Quyết định số 204-HĐBT ngày 30 tháng 12 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng. Thị xã Phan Rang - Tháp Chàm lúc này có 9 phường: Bảo An, Đô Vinh, Phước Mỹ, Phủ Hà, Thanh Sơn, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long, Tấn Tài và 5 xã: Văn Hải, Khánh Hải, Thành Hải, Mỹ Hải, Đông Hải. Năm 1991, xã Khánh Hải chuyển trở về huyện Ninh Hải và trở thành thị trấn Khánh Hải, huyện lỵ của huyện Ninh Hải.

Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm trở thành tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận.

Theo Nghị định số 99/2001/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm thành lập thêm 3 phường mới là phường Đông Hải (xã Đông Hải cũ), phường Mỹ Đông (một phần của xã Mỹ Hải) và phường Đài Sơn (một phần của phường Thanh Sơn và một phần của xã Thành Hải) và điều chỉnh địa giới hành chính của các phường Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Kinh Dinh, Thanh Sơn và Tấn Tài. Tháng 2 năm 2005, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm được công nhận đô thị loại III.

Theo Nghị định 21/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được thành lập.

Từ ngày 21 tháng 1 năm 2008, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có sự điều chỉnh địa giới giữa các xã Mỹ Hải, Văn Hải, các phường Mỹ Đông, Tấn Tài, Thanh Sơn; thành lập mới phường Mỹ Bình (từ một phần của xã Mỹ Hải, xã Văn Hải); thành lập phường Mỹ Hải (từ phần còn lại của xã Mỹ Hải); thành lập phường Văn Hải (từ phần còn lại của xã Văn Hải). Hiện nay thành phố có 16 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 15 phường: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Đài Sơn, Thanh Sơn, Kinh Dinh, Mỹ Hương, Tấn Tài, Đạo Long, Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Văn Hải và 1 xã Thành Hải.

Ngày 26 tháng 2 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg công nhận thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Lịch sử truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm(22/12/2021 11:25 SA)

Lịch sử Đảng bộ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm từ năm 1930 đến năm 2005(22/12/2021 11:24 SA)

77 người đang online
°