ĐÌNH VĂN SƠN- NGÔI ĐÌNH CỔ 130 TUỔI VẪN ĐẸP RỰC RỠ VỚI THỜI GIAN

Đăng ngày 11 - 11 - 2022
Lượt xem: 1.862
100%

Đình làng Văn Sơn được xây trên một khu đất khá rộng, thuộc thôn Văn Sơn, xã Văn Hải, thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, nay là khu phố 4- phường Văn Hải- Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, Ninh Thuận. Năm 1829, sau khi hoàn thành việc trùng tu Đình, các hương chức bấy giờ dựng bia kỷ niệm. Tấm bia đặt trước sân nhà Tiền hiền, chính giữa đề “Văn Sơn Thôn Đình” bên trái đề “Minh Mạng thập niên, tuế thứ Ất Hợi cốt ngoại kiết đán” (ngày 1 tháng tốt năm Ất Hợi đời vua Minh Mạng thứ mười 1829). Đây là niên đại duy nhất đề cập đến quá trình hình thành của Đình, được khắc trên văn bia, lưu giữ đến ngày nay. Vì vậy đời sau nhiều người lấy đó làm móc cho việc thành lập Đình, nhưng thực chất ngôi Đình đã có trước đó. Trải qua hơn 130 năm Đình Văn Sơn là luôn một ngôi Đình có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, đồng thời Đình còn gắn liền với đời sống tâm linh và là nơi diễn ra các hình thức hoạt động văn hóa của nhân dân địa phương. Di tích đã được Bộ VHTTDL công nhận, xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào ngày 04/01/1999 theo Quyết định số: 01/1999/QĐ-BVHTT.Từ trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, dọc theo đường đi biển Ninh Chữ chừng 02km là đến di tích đình Văn Sơn nên thuận tiện cho du khách đến tham quan di tích 130 năm tuổi này.

 

Cửa của Đình Văn Sơn hướng về phía Nam, phía trước có hồ sen hình bán nguyệt, ( vừa được các bô lão tronng đình xây thành hồ sen hĩnh chữ nhật vuông vức rất sạch đẹp). Phía sau ở xa là ngọn núi Cà Đú, hai bên tả hữu là đồng ruộng, nưỡng rẫy và nhà dân. Do tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, nên từ xa dễ phát hiện ra ngôi Đình qua nét rực rỡ của đình.

Từ cổng Tam quan vào, qua một sân gạch là đến tòa Chánh điện, trước tòa Chánh điện có một bức Bình phong án ngữ, bên phải bình phong chừng 10m có am nhỏ thờ Sơn thần, trong đề “Sơn Lâm Chi Thần”. Bên trái bình phong chừng 10m có am nhỏ thờ Thổ địa, trong đề “Thổ Địa Chi Thần”. Nhà Tiền hiền nằm ở phía Tây tòa Chánh điện, nhà Nhóm (nhà Hội) nằm ở phía Đông tòa Chánh điện. Liên kết giữa nhà Tiền hiền – Chánh điện – nhà Nhóm bằng hai cửa phụ ở hai đầu hồi tòa Chánh điện. Hai cửa phụ này dẫn ra theo hai hành lang đến các kiến trúc phụ phía sau của Đình. Nhà Tây nằm ở phía sau Tiền hiền, cửa hướng về phía Đông. Nhà Đông nằm ở phía sau nhà Nhóm, cửa hướng về phía Tây. Nhà Tư thư Tư hóa (nhà Kho) nằm ở phía sau tòa Chánh điện, cách Chánh điện 8m, cửa nhìn về phía Nam và nối hai đầu nhà Tây và nhà Đông thành một công trình kiến trúc khép kín dạng chữ khẩu (*). Nhà Trù (nhà Bếp) nằm ở đầu nhà Tư thư Tư hóa. Như vậy, nhà Đông – nhà Tây – nhà Tư thư Tư hóa cùng chung một sân sau (sân Hậu). Trong khi nhà Tiền hiền – Chánh điện – nhà Nhóm cùng chung một sân trước (sân Tiền). Toàn bộ ngôi Đình được bao bọc bởi một bức tường thành xây bằng đá vôi.

Ngoài ra, để tôn tạo cảnh quan chung quanh, trong Đình còn được trồng nhiều cây cổ thụ (đặc biệt là hai cây bàng cổ thụ) tỏa bóng mát quanh năm.

Đình Văn Sơn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thôn Văn Sơn. Nó chính là kết quả của một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Trước tiên yếu tố phong thổ được các bậc tiền bối coi trọng trong xây cất. Thứ hai, việc trồng những cây Bàng lớn tỏa mát quanh năm buộc chúng ta không thể loại trừ quan niệm “Huyền vũ” trong xây cất.

Đình Văn Sơn là một ngôi Đình có bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Toàn bộ kiến trúc ở Đình liên hoàn với nhau, tạo thành một công trình khép kín. Điều này, khiến ta nghĩ rằng, khi bước chân vào Đình, con người có cảm giác đầm ấm, gần gũi, không bị lạc lỏng ở chốn linh thiêng.

Đình Văn Sơn là một ngôi Đình có nhiều nhà vuông ghép lại, xây dựng tuân thủ theo nguyên tắc đối xứng. Với kỹ thuật xây dựng này tạo cho ngôi Đình nét khỏe khoắn, vững chải. Toàn bộ kiến trúc đó được đặt trên nền móng cao, gia cố kỹ, tránh được mưa gió, một lần nữa khẳng định sự trường tồn của Đình. Mặc dù, kỹ thuật xây dựng ở các đơn nguyên kiến trúc giống nhau, nhưng không theo một quy cách cụ thể. Ở mỗi đơn nguyên kiến trúc, độ cao, to, thấp, nhỏ khác nhau (tòa Chánh điện cao hơn, lớn hơn so với nhà Tiền hiền, nhà Nhóm), tạo ra các bộ mái nhấp nhô, khiến ta có cảm giác ngôi Đình nhẹ nhàng bay bổng.

Bước vào đình Đình Văn Sơn, ai cũng mê mẩn và bị cuốn hút với những  mảng chạm khắc đẹp với các đề tài trang trí phong phú, gồm: “Tứ linh” (Lân, Ly, Quy, Phụng), “Rồng” (Rồng tản mây, Rồng tranh châu, Long chầu nguyệt, Long Mã, Ngư hóa Long), “Bát tiên”, “Cặp đôi cảnh vật” (Mai – Điệp, Điệp – Cúc, Sóc – Nho), “Bát bửu”… Điều đáng trân trọng là với các đề tài trang trí trên, ở từng mảng chạm khắc, các nghệ nhân đã bố trí hợp lý. Đề tài “Tứ linh” được bố trí ở phần trung tâm, cạnh đó là đề tài “Bát tiên”, “Cặp đôi cảnh vật”…Một điều đáng kể trong trang trí ở Đình đó là các tính cách điệu trong chạm khắc. Từ một dải hoa dây, từ một cây trúc, từ một cây mai, từ một dải vân mây, qua sự khéo léo tài hoa của các nghệ nhân cũng được cách điệu thành Rồng. Rõ ràng trong chạm khắc các nghệ nhân không bị gò bó theo một khuôn khổ, mà thường có sự ngẫu hứng và luôn dẫn dắt người xem đến những điều mới lạ.

Kể từ khi hình thành đến nay, Đình Văn Sơn đã qua nhiều lần tu bổ, cùng với nhiều biến động lịch sử, thế những vẫn bảo tồn được khá nguyên vẹn, đặc biệt đối với cổng Tam quan, tòa Chánh điện, nhà Tiền hiền, nhà Nhóm vẫn giữ được nét nguyên gốc. Tuy vậy, qua một thời gian dài (từ năm 1975 – 1986), việc bảo quản ở Đình bị gián đoạn, nhà Đông, nhà Tây, nhà Tư thơ Tư hóa bị xuống cấp nghiêm trọng, hầu như không còn lại yếu tố nguyên gốc. Những năm gần đây, các ngôi nhà này có được tu bổ chút ít, song vẫn không thể phục hồi lại những gì đã mất.

Tại Đình Văn Sơn hằng năm diễn ra 3 lễ lớn. Đó là Lễ đầu năm và cuối năm: Ngày 24 tháng Chạp âm lịch hàng năm, Đình làng tổ chức lễ đưa chư thần (thần Thành hoàng) về trời để báo công, tội của làng mà thần chịu trách nhiệm cai quản trong năm qua. Ngày 30 tháng Chạp có lễ rước thần về Đình, để thần cùng đón tết nguyên đán với dân làng và sau đó tiếp tục việc coi sóc bảo vệ dân làng trong năm mới. Ngày 26 tháng Giêng âm lịch có lễ tạ thần, với mục đích tạ ơn thần đã phù hộ cho dân làng trong năm qua và cầu mong thần ban phát những điều lành cho dân làng năm tới.

Lễ tam nguyên: Lễ cúng vào ba ngày rằm lớn trong năm (rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười). Rằm tháng Giêng là ngày vía tạ ơn thần Thiên Quan Đại Đế đã làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Rằm tháng Bảy là ngày vía thần coi đất Địa Quan Đại Đế. Rằm tháng Mười là lễ vía Thủy Quan Đại Đế, cầu mưa đều cho lúa làm đòng.

Lễ kỳ yên: Lễ kỳ yên tức là lễ vía thần Thành hoàng, đây là lễ chính ở Đình. Hằng năm, lễ kỳ yên được tổ chức hai lần: lần thứ nhất vào mùa xuân (xuân kỳ), lần thứ hai vào mùa thu (thu kỳ). Hai lễ này không quy định ngày tháng rõ ràng. Lễ tế xuân thường được tổ chức vào tháng hai hoặc tháng ba âm lịch, với mục đích cầu thần cho mùa màng sắp tới. Lễ tế thu thường được tổ chức vào tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch, với mục đích báo đáp ơn thần sau mùa thu hoạch. Những lễ tế trên kéo dài trong 02 ngày. Buổi sáng ngày hôm trước là chuẩn bị tế lễ ở Đình. Ngày này dân làng tập trung về Đình dựng cờ, súy, bầu ra ban tế tự, ban tiếp khách, ban hậu cần… chuẩn bị tế lễ. 4 giờ chiều hôm trước là lễ tế Tiền hiền và Hậu hiền, 10 giờ tối ngày hôm trước là lễ tế ông (Dương Quý Hầu), 0 giờ ngày hôm sau là lễ tế thần Thành hoàng. Sáng hôm sau là ngày vui chơi, đãi tiệc.

Những năm gần đây do điều kiện kinh tế hạn hẹp, việc tế lễ của hai kỳ trên được gộp lại thành một lễ vào mùa xuân hay còn gọi là “xuân thu hợp nhất”.

Trải qua hơn 130 năm Đình Văn Sơn là luôn một ngôi Đình có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, đồng thời Đình còn gắn liền với đời sống tâm linh và là nơi diễn ra các hình thức hoạt động văn hóa của nhân dân địa phương. Di tích đã được Bộ VHTTDL công nhận, xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào ngày 04/01/1999 theo Quyết định số: 01/1999/QĐ-BVHTT.Từ trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, dọc theo đường đi biển Ninh Chữ chừng 02km là đến di tích đình Văn Sơn nên thuận tiện  cho du khách đến tham quan di tích 130 năm tuổi này.

 

Tin liên quan

Đình Đài Sơn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh(06/11/2023 1:58 CH)

Chùa cổ Mỹ Thiện(04/10/2023 9:20 SA)

Miếu Năm Bà – Phường Bảo An – Tp. PRTC, tỉnh Ninh Thuận được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh .(13/03/2023 4:32 CH)

Chùa Ông – Tín ngưỡng của người Hoa trên đất Ninh Thuận - di tích kiến trúc nghệ thuật - điểm đến...(24/10/2022 3:52 CH)

Di tích Đình Văn Sơn – phường Văn Hải(10/07/2016 2:47 CH)

Tin mới nhất

Đình Đài Sơn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh(06/11/2023 1:58 CH)

Chùa cổ Mỹ Thiện(04/10/2023 9:20 SA)

Miếu Năm Bà – Phường Bảo An – Tp. PRTC, tỉnh Ninh Thuận được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh .(13/03/2023 4:32 CH)

Chùa Ông – Tín ngưỡng của người Hoa trên đất Ninh Thuận - di tích kiến trúc nghệ thuật - điểm đến...(24/10/2022 3:52 CH)

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh: Miếu Hòa Xuân(01/11/2016 3:19 CH)

34 người đang online
°