NHÀ VĂN KIM HOÀ: HOÀN CẢNH SỐNG, LÒNG HIẾU THẢO ĐÃ TẠO NÊN NGHỊ LỰC CHO TÔI

Đăng ngày 19 - 10 - 2022
Lượt xem: 1.453
100%

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hoà- sinh năm 1984, hiện đang sinh sống tại phường Đạo Long, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, Ninh Thuận. Năm 2021, Nhà văn trẻ Kim Hòa được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 bởi có những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua những giới hạn nghịch cảnh của mình để tạo ra những tác động tích cực, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Chị được mọi người biết đến và gây cảm hứng tích cực bởi tinh thần vượt khó vươn lên số phận. Trong khi chỉ viết bằng 3 ngón tay và trong tư thế nằm nghiêng, vậy mà chị đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng đã được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành như: Tay chị Tay em, Cút cà Cút kít, Công chúa nhỏ Chăn Cừu, chuyện kể lớp cây me v…v. Và chị cũng đã sở hữu được các giải thưởng lớn danh giá như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-2014 với bộ ba tác phẩm Hương thôn dã, Đỉnh khói, Thôi mùa cỏ cháy. Tác phẩm Hoàng tử Rơm được Hội Nhà văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim Đồng trao tặng giải Nhất; Cửa sổ phía Đông đoạt giải thưởng Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI năm 2018 do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Chị Kim Hòa vinh dự được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Năm 2021, Chị được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X bầu làm Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi. Chị còn cộng tác với Ban Biên soạn sách giáo khoa mới, bộ Chân trời sáng tạo, có 2 bài viết được đưa vào giảng dạy trong chương trình Tiếng Việt lớp 2. Chị đã được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác văn học nghệ thuật. Đặc biệt nữ nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ( 20/10/1930-20/10/2022 và 12 Ngày phụ nữ Việt Nam- ngày 20/10, chúng tôi xin giới thiệu về người phụ nữ này- Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa với tựa đề: hoàn cảnh sống, lòng hiếu thảo đã tạo nên nghị lực cho tôi.

 

           

     " Tôi hay ngồi ngắm hai bàn tay của mình. Chúng không như nhau. Bàn tay trái mập mạp, những ngón tay tròn tròn, lùn xủn xấu ơi là xấu. Còn bàn tay phải thật đẹp. Nó bé xíu mềm mại, mấy ngón tay thuôn thuôn xinh xẻo như mấy cái bút mực tôi hay viết. Tôi gọi nó là bàn tay em. Còn bàn tay trái là bàn tay chị....Tôi yêu cả tay chị và tay em. Nhưng vì tay em yếu ớt và xinh đẹp nên tôi yêu nó nhỉnh hơn một tẹo"...Trên đây là một đoạn văn trong tập truyện Tay chị Tay em của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa, đã được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản vào năm 2022.  Lời văn thật nhẹ nhàng, dịu dàng, thấu hiểu, thông cảm và giàu yêu thương, cũng giống như tính cách con người của chị vậy. Và đôi bàn tay: tay chị, tay em,  chính là điểm mấu chốt trong hành trình vượt lên số phận của nữ nhà văn tài ba này.

    Chúng tôi tìm đến nhà của nhà văn Kim Hòa. Đó là  trong một nhà khang trang đã được xây dựng hơn 3 năm nay. Ngôi nhà  mà chị hằng mơ ước để có nơi phụng dưỡng ba mẹ lúc tuổi già. Chị Hòa có vóc người khá nhỏ nhắn. Trong ánh mắt đen láy, toát lên một sự giàu nghị lực và bằng giọng nói dìu dàng ấm áp, chị Hòa chia sẻ về cuộc đời của mình với một tinh thần lạc quan yêu đời.  

     Chị kể, chị được sinh ra trong một gia đình khó khăn, ba mẹ làm nông. Năm 2 tuổi, chị bị sốt bại liệt. Cơn sôt cao gây co giật, teo tóp hết đôi tay chị. Tay phải bị liệt hẳn không làm được gì. Còn tay trái chỉ sử dụng được 3 ngón. Đốt sống cổ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm đầu chị cứ ngả ngặt ra sau. Sau khi chạy chữa ở nhiều bệnh viện nhưng không thành công, ba mẹ đưa chị về châm cứu tại Phan Rang. May mắn,  đốt sống cổ và phần đầu được hồi phục. Chị hài hước chia sẻ: tuổi thơ của chị là gắn với những lần té. Té rất nhiều. Cứ bước ra khỏi cửa nhà là té. Vì lúc đó, chị chưa giữ thăng bằng được. Ấy vậy mà, cô bé hay té ấy, với đôi tay khuyết tật ấy lại là học sinh giỏi xuất sắc trong những năm học phổ thông. Và liên tục đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi môn văn các cấp và Quốc gia. Thật là một kỳ tích với chị Hòa. Cùng với đó là sự nỗ lực không ngừng của gia đình. Chị chia sẻ: Có lẽ ông trời không cho ai tất cả. Cũng không lấy đi của ai tất cả. 

            Với năng lực học tập như vậy, năm ấy chị đăng ký thi vào trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trước ngày  thi đại học 1 ngày, chị Hòa gặp tai nạn giao thông. Mong muốn này của chị đành gác lại. Nhưng thật may với giải khuyến khích môn Văn quốc gia đạt được trước đó, chị Hòa được tuyển thẳng vào Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP. Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ, khi chị chọn trường này với mục đích là nhanh chóng đi làm có tiền để phụ giúp ba mẹ còn đang nuôi hai em nhỏ đang ăn học. Học xong Cao đẳng, ra trường, đi làm ở TP Hồ Chí Minh được hơn 1 năm, thì năm 2005, ông Ngoại của chị Hòa- một người chị rất yêu quý và kính mến lại mong muốn chị về quê để có cuộc sống ổn định. Và chị đã về theo tâm nguyện của ông trước ngày ông mất. Khi về quê, với thể trạng sức khỏe của chị thật khó xin việc. Nhờ vốn liếng tiếng Anh học được ở trường Cao đẳng, chị mở lớp dạy học cho những trẻ em quanh vùng. Với sự tiến bộ của các em học sinh, chị dần trở thành một cô giáo làng thực thụ. Và  đây là công việc chính để chị mưu sinh để lo cho bản thân và ba mẹ đến ngày hôm nay.

    Nhưng cuộc sống đâu chỉ là mưu sinh, mà còn có những giá trị tinh thần song hành. Với tâm hồn hồn giàu sự sáng tạo của một người giàu khả năng về văn chương như chị Hòa, thì giá trị tinh thần ấy càng cháy bỏng. Chị muốn viết văn để giãi bày chính mình, làm phong phú thêm đời sống tinh thần giữa nhịp mưu sinh đều đều tẻ nhạt và để cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp lung linh những sắc màu thanh âm. 

    Năm 2010, di chứng sốt bại liệt lại một lần nữa thử thách chị. Chị bị thoái hóa sớm cột sống lưng, dẫn tới thoát vị đĩa đệm. Trong lúc tinh thần xuống dốc, được một người bạn khuyên, chị bắt tay vào viết để giải tỏa nỗi buồn. Lưng đau không thể ngồi lâu, chị nằm để viết.

            Vậy là từ năm 2010 đến nay, miệt mài viết trong tư thế nằm nghiêng và sử dụng 3 ngón tay, chị Hòa đã cho ra đời 15 tác phẩm, được các nhà xuất bản ấn hành và nhiều giải thưởng lớn về văn chương.

            Người phụ nữ giàu nghị lực này cho biết: từ điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và ba mẹ chính là những động lực để giúp chị nỗ lực vươn lên, vượt thoát số phận. Biết bản thân không có sức khỏe như người bình thường, trong bất cứ việc gì, tôi phải luôn nỗ lực để không thua kém bạn bè. Biết ba mẹ vất vả nhiều vì mình, tôi luôn tự nhủ sẽ không trở thành gánh nặng và cố gắng là đứa con để ba mẹ tự hào. 

            Nói về nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa, Ông Phạm Văn Muộn- chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận cho biết: Kim Hòa là một nữ nhà văn tài hoa, rất tài năng. Là một người chịu thương chịu khó và khiêm tốn. Là một người phụ nữ có nghị lực mạnh mẽ và có sự lan tỏa tích cực về tinh thần vượt khó trong cộng đồng. Mặc dù sức khỏe có phần bị hạn chế nhưng đã vượt qua tất cả để đeo đuổi con đường nghệ thuật, trở thành một nhà văn và có rất nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao. Và lãnh đao UBND tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen biểu dương khen thưởng Kim Hòa."

            Được nhiều người ngưỡng mộ vì những nỗ lực vượt thoát số phận, nhưng đối với chị Hòa, đó đơn giản chỉ là những việc cần phải làm. "Trong hoàn hoàn cảnh tôi, tin rằng, ai cũng sẽ làm vậy." Chị cười.

            Có lẽ đây là câu nói của một người khiêm tốn. Hay khi sở hữu một tâm hồn cao đẹp, thì cái Tôi đã bé nhỏ rất nhiều, nên không có gì phải chứng tỏ cả. 

            Chị bộc bạch thêm: Tới thời điểm này, sau khi xuất bản được 15 đầu sách và có nhiều giải thưởng, tôi nghĩ cần viết về một điều gì lớn hơn. Viết để tiếp tục gởi gắm niềm hy vọng: Hy vọng vượt thoát khó khăn. Hy vọng về con người. Tôi tin vào sức mạnh của hy vọng và ánh sáng của thiện lương.

            Với dòng suy nghĩ  đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục sáng tác cho thiếu nhi, chị sẽ tập trung đưa những nét văn hóa đặc sắc của  vùng đất Ninh Thuận vào tác phẩm. Bằng sáng tác mình, chị hi vọng có thể góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa, tinh thần nơi mảnh đất quê hương. 

 

Tin liên quan

Thiếu tá Trần Quốc Thịnh gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua nghiên cứu sáng kiến, cải tiến...(15/04/2024 2:35 CH)

Đồng chí Đàm Thị Thùy Linh, Trung đội trưởng Trung đội Nữ Dân quân Cối 82mm, giỏi việc nước, đảm...(15/04/2024 2:33 CH)

Đồng chí Mai Huệ Anh Đài - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Bảo An tích cực đi đầu, sẵn sàng...(26/03/2023 9:58 SA)

Bác sỹ Hoàng Lê Anh Dũng- " Tình yêu thương với bệnh nhân giúp tôi sống trọn với nghề y"(24/02/2023 3:46 CH)

NGUYỄN HỮU TRỰC- CHÀNG TRAI TRẺ KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG VỚI NGHỀ NUÔI ÔNG DÚ(05/12/2022 9:27 SA)

Tin mới nhất

EM PHẠM NGỌC ANH THƯ - TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC ĐỘI(26/09/2024 9:31 SA)

Thiếu tá Trần Quốc Thịnh gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua nghiên cứu sáng kiến, cải tiến...(15/04/2024 2:35 CH)

Đồng chí Đàm Thị Thùy Linh, Trung đội trưởng Trung đội Nữ Dân quân Cối 82mm, giỏi việc nước, đảm...(15/04/2024 2:33 CH)

Đồng chí Mai Huệ Anh Đài - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Bảo An tích cực đi đầu, sẵn sàng...(26/03/2023 9:58 SA)

Bác sỹ Hoàng Lê Anh Dũng- " Tình yêu thương với bệnh nhân giúp tôi sống trọn với nghề y"(24/02/2023 3:46 CH)

6 người đang online
°