BÁC HỒ DÙNG TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ NÓI VỀ SỰ THỐNG NHẤT TƯ TƯỞNG – HÀNH ĐỘNG, PHÊ BÌNH - TỰ PHÊ BÌNH

Đăng ngày 29 - 11 - 2017
Lượt xem: 816
100%

 

Chúng ta đang thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tìm hiểu trong sách báo, bài nói chuyện của Bác Hồ, hầu như lĩAnh vực nào, ngành nghề nào, Bác cũng viết và nói sâu sắc, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ. Trong đó những khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, khi viết báo, viết sách về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức cách mạng, Bác Hồ đã vận dụng những câu tục ngữ, thành ngữ dân gian quen thuộc vào nội dung, từ đó bài nói chuyện, bài báo trở nên sinh động, gần gũi với mọi người.

Bài viết này giới thiệu cách Bác Hồ dùng tục ngữ, thành ngữ dân gian trong các bài nói chuyện, bài viết về sự thống nhất tư tưởng – hành động, phê bình – tự phê bình của cán bộ cách mạng.

Đối với cán bộ, yêu cầu thống nhất giữa tư tưởng với hành động, nói đi đôi với làm là yêu cầu cốt lõi của người cán bộ, Đảng viên, Bác viết: “Nếu Đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”. (Đạo đức cách mạng, bút danh Trần Lực, tạp chí Học tập, số 12, 1958).

Trong phong trào hành động cách mạng, Bác nêu rõ cần tránh bệnh phô trương, hình thức, thiếu thực chất bền vững: “Thanh niên có nhiều sáng kiến hay, gây những phong trào có ích và lúc đầu rất sôi nổi. Như thế là tốt. Nhưng phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực. Không nên chỉ có hình thức, càng không nên “đầu voi đuôi chuột”. (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam năm 1961, in báo Nhân Dân ngày 25/3/1961).

Trong sách Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: “Bệnh hữu danh vô thực. Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít, suýt ra nhiều, để làm một báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại rỗng tuếch”. (Sửa đổi lối làm việc, NXB Sự Thật, tái bản lần thứ 5, 1951, trang 45).

Về việc coi trọng nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong tổ chức, Bác viết rất sâu kỹ trong nhiều tác phẩm, bài báo, bài nói chuyện… Cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”, một cuốn sách mà cho đến ngày nay nội dung vẫn còn nguyên giá trị, Bác viết như sau: “Đoàn thể cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ hội viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình tức là quan liêu hóa, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”. “Lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của đoàn thể và chính phủ thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, “không chết cũng la lết quả dưa”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 52).

Hoặc trong sinh hoạt tổ chức, Bác cũng phê phán khuynh hướng bàng quan, mặc kệ mọi người, mọi việc, xem đó là khuynh hướng gây hại đoàn thể, tổ chức: “Thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy trong đoàn thể con nhiều người giữ thái độ đó, nhất là cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói: “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong đoàn thể”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 58).

Về cán bộ có thái độ a dua, xu nịnh, Bác cho rằng đây là những người không có khí khái: “Bệnh xu nịnh, a dua. Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu,  thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi, theo gió bẻ buồm, không có khí khái”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 53).

Về biện pháp khắc phục khuyết điểm, sai lầm, Bác chỉ rõ: “Nơi nào sai lầm, ai sai lầm thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. (Sửa đổi lối làm việc, sđd, trang 62).

Như vậy, về sự thống nhất tư tưởng – hành động, nguyên tắc phê bình – tự phê bình, Bác Hồ luôn luôn yêu cầu cán bộ, Đảng viên trong công việc hằng ngày phải rèn luyện tinh thần nói đi đôi với làm, trong tổ chức phải luôn thực hiện phê bình – tự phê bình. Có như thế mới tiến bộ, mới phục vụ đất nước, nhân dân hiệu quả; điều đặc sắc là trong tác phẩm của mình, những câu tục ngữ, thành ngữ dân gian quen thuộc được Bác dùng rất thích hợp, tăng phần sâu sắc, dễ thu hút, thấm sâu vào tâm hồn người đọc, người nghe.

Đình Hy

Tin liên quan

Tin mới nhất

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ SỰ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CÁCH MẠNG VIỆT NAM (09/07/2024 2:55 CH)

Chuyên đề năm 2024 Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước(02/02/2024 2:53 CH)

Chuyên đề năm 2023: HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG VĂN...(08/03/2023 9:47 SA)

Chuyên đề năm 2021: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự...(23/08/2021 2:39 CH)

Hội LHPN thành phố qua 03 năm triển khai thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị(21/04/2020 7:19 CH)

35 người đang online
°