Nguyễn Thị Kim Hòa
Bấc về.
Bắt đầu bằng những xao động, man mát chảy xuống giữa trời chang nắng. Bắt đầu bằng bóng ngọn dừa cao nhất xóm chao chao như người gục gặc đầu nghe nhạc. Một nhúm lá khô lóc cóc chạy vào từ mặt đường, đeo dính dưới chân cửa ngõ. Một lớp bụi vôi bong ra khỏi vách cũ lắc rắc xuống nền nhà.
Trong vòng ôm của Bấc, những cánh cửa chưa kịp gài chốt rung lên bần bật. Những mái tôn cong lẩy bẩy hơi thở. Mảnh rèm che bạc phết dấu nắng bên hiên nhà cũng rạo rực giãy lên nhìm nhịp, nhìm nhịp. Sức hút từ vòng ôm làm run rẩy những đọt bông bí, ủ qua vắt vẻo trên mấy lưới rào. Làm cả một vạt bông muối đỏ đặc sệt trong chậu ngả dúi dụi lên nhau.
Ngang dọc cắt xén vạt áo Bấc là những cánh chim hăm hở, thoăn thoắt. Một bầy yến. Thoắt xui thoắt ngược, chúng chắc muốn đo xem vòng tay Bấc rộng đến cỡ nào. Bầy yến chắc chưa bao giờ thấy Bấc nên tha hồ tíu tít, chộn rộn.
Đủng đỉnh dạo trên sân, chú sẻ già lại chỉ đón bấc bằng cái liếc mắt. Xù lông, chú thong thả bay về dưới mái tôn. Một lúc sau nghe vẳng ra từ phía ấy những âm thanh gì lục cục, lục cục. Rồi mấy cọng rơm bé tí loe hoe thò ra giữa màu tôn xám xịt. Ra là chú sẻ đang sửa tổ. Đâu phải ai cũng như bầy yến, có được một cái tổ bê tông cốt thép sừng sững để vô tư tung tẩy, nhởn nhơ.
Chuẩn bị của chú sẻ chẳng có gì là lo xa cả khi đến những cánh yến ham vui nhất cũng tắp vào một ô vuông nào đó của cái tổ không lồ mất hút. Cả vầng trời rộng thênh nhường lại cho Bấc.
Lúc này, kẻ trở về mới thực sự phất mạnh tấm áo, ra roi. Như có cả một đàn ngựa hoang tuôn chạy giữa tầng trời. Không có tiếng ngựa phi, chỉ có những mảng mây lớn bị cuốn xô vào nhau, văng tung tóe. Lướt thướt trong chiếc áo tàng hình, bầy ngựa gió không hay biết những vệt mây vỡ đã khắc thay cho chúng vết chân.
Dội xuống từ tầng trời là chuỗi u u, u u vang khắp. Tựa hồ phải có một cái máy xay khổng lồ nào đó trong không gian vừa bật nút. Tựa hồ ngồi dưới một đáy vực, nghe tiếng xối của dòng thác vào khoảng sâu hun hút.
Dội khắp vòm lá cây quanh xóm là những rào rào, rào rào như liên tiếp một trận mưa. Trận mưa không có nước, chỉ có ồng ộc những luồng hơi xoáy thốc vào mặt người.
Trái trứng cá, trái sung non rụng trên mái tôn sau bếp lộp độp, lộp độp. Hàng móc áo phơi trước hiên nhảy bấng lên, va nhau loeng xoeng inh ỏi. Bụi lớp tiếp lớp ném mình lạt rạt lên sân trước.
Tự nhiên nhớ khách xứ khác có lần ra chơi cứ ngập ngừng chiếc xe không dám dắt khỏi nhà.
“Gió thế này liệu có bão?”
Đó là do khách không biết. Bấc xứ này miệng hùm gan sứa. Nom dữ dằn, ghê gớm đó nhưng thật ra trong bụng hiền khô. Chắc sống lâu cùng ấm áp nắng, cùng hồn hậu sóng biển nên Bấc bị lây luôn cả cái nồng nhiệt, chân chất của con người. Khách không biết phá phách là thế, nhưng cũng có buổi sáng Bấc chần chừ treo mãi ở tầng trời để bụi không bốc mù lên những vỉ bánh tráng phơi dày ngõ xóm. Ưa ào ạt, giật xô là thế mà luồn ra sau Bấc đẩy giùm chiếc xe đầy nhóc cần xé bún của bạn khách lên dốc đê cao.
Bấc tràn trề khắp không gian là lúc nên dắt xe dạo một vòng ra phố. Phố Phan vào mùa Bấc lọt thỏm trong một vẻ gì vừa xù xì, vừa huyền hoặc. Bấc kéo đêm đến sớm. Những ánh đèn vàng như đổ đọng hơn, cô lại từng vũng sáng sảnh quánh hết những mặt đường.
Trong lành lạnh mùi Bấc, vòng tay ôm trên một chiếc xe nào đó ngược gió hình như có chặt hơn. Dọc dài theo phố, những cửa tiệm, hàng ăn biển treo phập phù hơi gió, những quán cóc ghế nhựa lô xô tự chạy. Nhưng bóng chúng đổ trên mặt đất mỗi lúc cứ như sắc lại, nén chặt. Đến ngọn khói nướng bắp của những hàng bán dạo ngồi xấp lớp góc Quảng Trường hình như cũng đậm thêm, dày cộp giữa vù vù âm thanh rớt xuống từ dãy quạt gió. Tuồng như trong Bấc mọi thứ đều tự dày lên, rắn rỏi để tìm một sợi dây buộc.
Mạnh bạo, khỏe khoắn, Bấc giũ sạch cho Phan Rang phố hết vẻ mong manh tẻ ngắt. Chân thành, gan ruột, Bấc khiến phố không thể không mở lòng. Phố trở lại là phố. Gai góc, cuồng nhiệt.
Bao nhiêu người đang giữ chặt tay lái, phăm phăm lướt giữa bốn bề Bấc cuộn cũng muốn được gột rửa, được phơi lòng mình như phố?
Phố dẫu hẻm hóc, ngóc ngách đi mấy nhưng rồi cũng quy về một mối. Còn lòng người thì sao cứ thăm thẳm sâu đến khôn cùng.
Bỗng giật mình nghe Bấc cười khà ngay vai áo:
“Già mất rồi, người ơi, cứ mông lung!” ./.