MỘT SỐ ĐIỂM MỚI LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM VÀ LUẬT NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Ngày 24/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật số 23), chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Luật có nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

      

Liên quan đến Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Thứ nhất, về bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh: để có giải pháp kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam xuất cảnh, ngày 15/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 76/2022/QH15, “đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”. Vì vậy, Luật số 23 đã bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh.

            Thứ hai, bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, thông báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các thiết bị thông minh.

            Thứ ba, giảm bớt các giấy tờ người dân phải nộp khi làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu: cụ thể, bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất; và bãi bỏ quy định nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục giấy khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.

            Thông tin trên Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó Bộ Công an có thể khai thác từ Cơ sở dữ liệu nên không yêu cầu người dân phải nộp. Việc cắt giảm này là phù hợp với chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân khi phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ.

            Thứ tư, để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, bổ sung quy định về hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu nhưng sau 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả mà công dân không đến nhận và không có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng về lý do chưa nhận hộ chiếu.

            Thứ năm, bãi bỏ quy định hộ chiếu còn hạn trên 06 tháng mới được xuất cảnh để tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh; đặc biệt đối với các trường hợp công dân có hộ chiếu còn thời hạn dưới 06 tháng nhưng có thị thực nhập cảnh nước ngoài hoặc đã được định cư ở nước ngoài.

            Liên quan đến Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài

           Có 08 điều khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tập trung vào 02 nhóm đối tượng như sau:

Thứ nhất, nhóm nội dung sửa đổi một số quy định của Luật số 47/2014/QH13 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam, cụ thể:

           - Sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 7 và Điều 9 tại Luật số 47 để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày đến lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

           - Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19a để mở rộng đối tượng được cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ phù hợp với chính sách đối ngoại, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội của Viêt Nam.

           - Sửa đổi, bổ sung Điều 31 để nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên đến 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật số 47.

           Thứ hai, nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, cụ thể:

          - Sửa đổi, bổ sung Điều 33, Luật số 47 để bổ sung trách nhiệm của Cơ sở lưu trú trong thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài.

           - Bổ sung khoản 2, Điều 44 Luật số 47 để bổ sung nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định.

           - Sửa đổi tên Chương VII Luật số 47 và bổ sung một số điều quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.