CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945: BƯỚC NGOẶC VĨ ĐẠI TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) là nguồn sức mạnh to lớn, là tiền đề quan trọng để dân tộc ta liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến cứu nước, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân. Với thắng lợi này, cách mạng nước ta chuyển sang một bước ngoặc mới, đưa đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Năm 1945, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng trước thời cơ lớn. Trên thế giới, Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 09/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 08/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trong nước, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước; đến ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng 11 khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Nhân dân cả nước tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre,... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ.
Hòa chung dòng lịch sử hào hùng của cả nước, tại Ninh Thuận, sau khi các Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời (tháng 4/1930), các tổ chức Đảng đã chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các tổ chức Đảng là quan tâm xây dựng, phát triển quần chúng cốt cán nhiều nơi trong tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo Nhân dân và công nhân tổ chức các phong trào đấu tranh.
Giai doạn 1930-1939, diễn ra nhiều cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân và công nhân đòi quyền dân sinh, dân chủ, tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống... Đồng thời, quần chúng nhân dân nhận thức rõ quyền lợi dân tộc, giai cấp, ý thức về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ; tham gia vào các đoàn thể, xây dựng cốt cán và các chủ trương của Đảng. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (01/9/1939), Đảng chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ chống đế quốc và Việt gian tay sai để giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương VIII (5/1941) chủ trương tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” nhằm tập hợp tất cả mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần dân tộc vào cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Ở Ninh Thuận, đã gấp rút xây dựng lực lượng và phát triển các tổ chức cứu quốc: Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Công nhân cứu quốc, thành lập các nhóm phụ trách "Việt Mình vùng", "Đội Danh dự".
Đầu năm 1945, với lực lượng cán bộ và cơ sở đã có, Ủy ban Việt Minh lâm thời được thành lập, phân công cán bộ về cơ sở gấp rút củng cố lực lượng. Tháng 6/1945, Tỉnh ủy lâm thời thành lập, tập trung bản kế hoạch phát triển quần chúng cách mạng, liên lạc với cấp trên để nắm chủ trương. Đầu tháng 8/1945, các đội tự vệ, các hội quần chúng như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc... nhanh chóng được thành lập ở các địa phương, đặc biệt đã đưa một số cốt cán vào làm nòng cốt trong các tổ chức Thanh niên Bảo An, Thanh niên tiền tuyến thân Nhật. Trưa ngày 16/8/1945, được tin Nhật đã đầu hàng phe Đồng minh vô điều kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề ra kế hoạch chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. 15 giờ ngày 21/8/1945, đông đảo Thanh niên cứu quốc, công nhân, quần chúng cách mạng được trang bị vũ khí thô sơ, băng rôn, khẩu hiệu, cờ... biến cuộc mít tỉnh của địch thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng và nhanh chóng giành chính quyền ở Tháp Chàm; 18 giờ 45 phút cùng ngày, đoàn biểu tình kéo xuống Phan Rang phối hợp với lực lượng cách mạng khống chế các công sở, đồn trại của binh lính tay sai Nhật... thời khắc ấy đánh dấu chỉnh quyền cấp tỉnh đã về tay Nhân dân. Từ ngày 21 đến 22/8 hầu hết các làng, huyện, tổng trong tỉnh nhanh chóng giành được chính quyền. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập và ra mắt đồng bào vào ngày 22/8/1945. Ninh Thuận là một trong 3 tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất miền Nam (sau Quảng Nam 18/8 và Khánh Hòa 19/8), góp phần cho tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hỏa ra đời (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) là nguồn sức mạnh to lớn, là tiền đề quan trọng để dân tộc ta liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến cứu nước, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân. Với thắng lợi này, cách mạng nước ta chuyển sang một bước ngoặt mới, đưa đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nguồn: BTG Tỉnh ủy