SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CÁC PHƯỜNG THÀNH PHỐ PHAN RANG – THÁP CHÀM
I. Căn cứ pháp lý
- Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
- Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14.
- Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022).
- Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
- Công văn số 5193-CV/TU ngày 25/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
II. Sự cần thiết của việc sắp xếp đơn vị hành chính
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tinh giản biên chế và giảm bớt chi ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tiết kiệm được quỹ đất làm trụ sở để sử dụng vào việc khác đang cần thiết; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo điều kiện cho việc đầu tư, xây dựng đồng bộ về hạ tầng cơ sở vật chất trên địa bàn thành phố.
- Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn thành phố sẽ góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt công tác lập kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội mang tính dài hạn, tập trung nguồn lực mở rộng không gian phát triển, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân; đồng thời, tạo động lực cho địa phương chủ động trong việc sắp xếp, bố trí cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong thời gian tới.
Do đó, việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025 là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của quê hương, đất nước; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; qua đó tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
III. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính các phường thuộc diện sắp xếp
1- Hợp nhất 03 phường Kinh Dinh, Mỹ Hương, Tấn Tài thành đơn vị hành chính mới và lấy tên là phường Kinh Dinh. (có diện tích tự nhiên là 3,488 km2, đạt 63,42 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 24.656 người, đạt 352,22% so với tiêu chuẩn).
*Cơ sở và lý do của việc sắp xếp: Phường Tấn Tài, phường Kinh Dinh và phường Mỹ Hương là 03 địa phương có địa giới hành chính giáp ranh, có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng; thuận tiện cho việc giao thông, đi lại cho Nhân dân sau khi thực hiện sắp xếp; có nhiều nét văn hóa, tập quán tương đồng, là vùng lõi có tính chất đô thị cổ của thành phố Phan Rang -Tháp Chàm, là vùng thuận lợi cho phát triển đô thị trong thời gian tới.
* Lý do của việc lựa chọn tên phường Kinh Dinh sau khi sắp xếp:
- Địa danh Kinh Dinh đã có trong Đại Nam Nhất Thống Chí năm 1830 thời Nguyễn được xác định là thôn Kinh Dinh, huyện Yên Phước.
- Năm 1832, nhà Nguyễn thành lập phủ Ninh Thuận gồm huyện An Phước và Tuy Phong. Trong đó, huyện An Phước có 4 tổng (Đức Lân, Kinh Dinh, Lương Tri, Vạn Phước), địa bàn Phan Rang-Tháp Chàm hiện nay cơ bản nằm trong tổng Kinh Dinh (tổng Kinh Dinh gồm 20 thôn, 2 xã), có 2 địa danh liên quan việc sáp nhập hiện nay (phường Kinh Dinh và phường Tấn Tài), thời điểm đó là xã Kinh Dinh và thôn Tấn Tài.
- Sau ngày giải phóng ấp (thôn) Kinh Dinh và Tấn Tài được đổi thành phường Kinh Dinh và phường Tấn Tài.
- Năm 1977, phường Kinh Dinh và phường Tấn Tài được sáp nhập vào huyện Ninh Hải để thành lập thị trấn Phan Rang là huyện lỵ huyện Ninh Hải.
- Năm 1981, tái lập thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, Kinh Dinh và Tấn Tài trở lại là một phường của thị xã và tồn tại đến hôm nay. Như vậy, tên gọi “Kinh Dinh” và “Tấn Tài” được nhắc đến từ thế kỷ XIX, trong đó “Kinh Dinh” vừa được đặt tên cho một Tổng và là tên của một xã; “Tấn Tài” là tên gọi của một thôn.
- Riêng đối với Mỹ Hương có yếu tố lịch sử hình thành muộn hơn Kinh Dinh và Tấn Tài, cụ thể: Năm 1969, xã Phan Rang có 6 ấp gồm Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long, Thanh Phong, Tấn Tài, Phủ Thành”. Sau ngày giải phóng ấp (thôn) Mỹ Hương được đổi thành phường Mỹ Hương. Năm 1977, phường Mỹ Hương được sáp nhập vào huyện Ninh Hải để thành lập thị trấn Phan Rang là huyện lỵ huyện Ninh Hải. Năm 1981, tái lập thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, Mỹ Hương trở lại là một phường của thị xã và tồn tại đến hôm nay.
- Việc đề xuất chọn tên phường Kinh Dinh để đặt cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp 3 phường Kinh Dinh, Tấn Tài, Mỹ Hương bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp cũng đảm bảo theo quy định tại Khoản 2 Điều 6-Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2- Hợp nhất 02 phường Phủ Hà, Thanh Sơn thành đơn vị hành chính mới và lấy tên là phường Phủ Hà (có diện tích tự nhiên 2,397 km2, đạt 43,58% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 23.957 người, đạt 342,24% so với tiêu chuẩn)
*Cơ sở và lý do của việc sắp xếp: Phường Thanh Sơn và phường Phủ Hà là 02 phường có địa giới hành chính giáp ranh, thuận tiện trong việc giao thông, đi lại cho nhân dân sau khi thực hiện sắp xếp; mặt khác 02 địa phương này có nhiều nét văn hóa, tập quán tương đồng, là vùng thuận lợi cho phát triển đô thị trong thời gian tới, nhất là phát triển mạnh về thương mại - dịch vụ, du lịch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng phù hợp theo định hướng phát triển chung của thành phố.
* Lý do của việc lựa chọn tên phường Phủ Hà sau khi sắp xếp:
- Phường Phủ Hà có lịch sử hình thành sớm hơn, cụ thể:
+ Trước giải phóng (16/4/1975), Phan Rang - Tháp Chàm được phân chiathành 2 đơn vị hành chính: Thị trấn An Sơn là quận lỵ quận Bửu Sơn (đóng tại phường Đô Vinh ngày nay) và Thị xã Phan Rang là tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận. Sau giải phóng, Phan Rang - Tháp Chàm có 9 phường: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Thanh Phong, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long và Tấn Tài ( phường Phủ Hà đã hình thành cho đến nay).
+ Sau năm 1975, ấp Phủ Thành và ấp Thanh Phong được sáp nhập thành khu vực 3 thuộc thị trấn Phan Rang, huyện Ninh Hải, tỉnh Thuận Hải. Trong đó, Phủ Hà được hình thành là do sáp nhập ấp Phủ Thành và ấp Hà Thanh.
- Riêng đối với phường Thanh Sơn có yếu tố lịch sử hình thành muộn hơn, cụ thể:
+ Trước năm 1975, địa bàn phường Thanh Sơn hiện nay gọi là ấp (thôn) Thanh Phong. Từ 1976 đến 1991, khi tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải thì Phan Rang – Tháp Chàm trở thành thị xã thứ 2 thuộc tỉnh Thuận Hải sau thị xã Phan Thiết. Trong giai đoạn này có 4 năm Phan Rang và Tháp Chàm tách thành 2 thị trấn. Ngày 27/4/1977, Chính phủ lập 2 huyện mới Ninh Hải và An Sơn thuộc tỉnh Thuận Hải, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm chia thành: Thị trấn Phan Rang, huyện lỵ của huyện Ninh Hải và thị trấn Tháp Chàm, huyện lỵ của huyện An Sơn. Thị trấn Phan Rang có 6 phường của thị xã cũ: Mỹ Hương, Tấn Tài, Kinh Dinh, Thanh Sơn, Phủ Hà, Đạo Long; thị trấn Tháp Chàm có 3 phường của thị xã cũ: Đô Vinh, Bảo An và Phước Mỹ.
- Tên phường Phủ Hà đề xuất để đặt tên cho đơn vị hành chính sau khi sắp xếp 02 phường Phủ Hà và Thanh Sơn bảo đảm phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp cũng đảm bảo theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, xét tiêu chí về quy mô dân số (dân số phường Phủ Hà 13.297 người và dân số phường Thanh Sơn 10.660 người), đặt tên phường Phủ Hà sẽ hạn chế tác động về thủ tục hành chính đối với người dân, thuận tiện trong công tác quản lý xã hội sau khi thực hiện sắp xếp.
IV. Hiệu quả khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
- Việc nhập phường sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tinh giản biên chế và giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; qua đó, tạo điều kiện để quản lý, thực hiện các quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai theo quy hoạch, quản lý cơ sở hạ tầng đô thị, quản lý dân cư, quản lý địa bàn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tốt hơn…Trong quá trình sắp xếp bộ máy, sẽ lựa chọn được những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tín nhiệm để bố trí đảm nhận các chức danh đảm bảo đúng theo quy định; góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Sau khi sắp xếp sẽ giảm được 03 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời giảm chi ngân sách nhà nước sẽ tập trung được nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và tạo ra động lực, môi trường và điều kiện cho sự phát triển hơn nữa của kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố nói chung và của địa phương nói riêng theo hướng kinh tế đô thị gắn với dịch vụ, thương mại; cùng theo đó là sự đáp ứng tốt hơn về cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, thông tin liên lạc và các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế cho người dân.
Có điều kiện để rà soát và thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho phát triển đô thị trong thời gian tới, nhất là phát triển mạnh về thương mại - dịch vụ, du lịch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng phù hợp theo định hướng phát triển chung của thành phố.
- Việc nhập phường sẽ kết hợp hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác an ninh chính trị, trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững do đã bố trí công an chính quy. Đối với Ban chỉ huy quân sự phường, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ dân phố sau khi được kiện toàn sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
- Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công được thực hiện thông suốt, đồng bộ do được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; chất lượng công chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được quan tâm bố trí. Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức của các phường sau khi sắp xếp vững vàng, kiên định về chính trị tư tưởng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình phục vụ Nhân dân, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong điều hành quản lý.
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có quy mô nhỏ thành đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, vị trí địa lý để phát triển. Tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào sự thành công của cải cách hành chính tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khu phố.
---------------------------------------------