Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận Khai trương trung tâm điều hành đô thị thông minh – IOC và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Cùng với chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đang là một xu thế tất yếu và là một trong những chuẩn mực để phát triển đối với các đô thị trong kỷ nguyên IR 4.0. Việc thông minh hóa sẽ giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại sự an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế.
Đồng chí Trần Quốc Nam – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận phát biểu
Sáng ngày 8/8/2023, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ Khai trương trung tâm điều hành đô thị thông minh – IOC và nhận cờ thi đua của Chính phủ. Đến dự có đồng chí Trần Quốc Nam – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận; đồng chí Lâm Đông – UVTV Tỉnh uỷ - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Bí Thư Thành uỷ - Chủ tịch HĐND thành phố; đại diện lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Tỉnh uỷ; lãnh đạo MTTQVN tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban ngành cấp tỉnh; lãnh đạo tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel; đồng chí Bùi Văn Phú – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ; đồng chí Nguyễn Thành Phú – Phó Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ; Lãnh đạo HĐND và UBND thành phố; lãnh đạo các huyện trên địa bàn tỉnh; đại diện Lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Thành uỷ, lãnh đạo các ban, ngành thành phố, lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra chủ trương xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh; trên cơ sở đó, ngày 24/5/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 623/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030”; cùng với chủ trương chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói riêng và tỉnh nói chung, thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên mọi phương diện trong một tổng thể thống nhất, lấy phát triển “chính quyền điện tử” là trung tâm. Với mục tiêu đến năm 2030 và những năm tiếp theo “Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm xây dựng đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh, hiện đại của Việt Nam và tiệm cận đẳng cấp khu vực”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố nhấn nút khánh thành Trung tâm IOC
Mô hình Đô thị thông minh thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là mô hình áp dụng các giải pháp thông minh trên các lĩnh vực trọng điểm của thành phố và được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin kết nối với các hệ thống internet để thu thập dữ liệu, tối ưu hóa tất cả các hoạt động, dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời làm thay đổi phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành một cách thông minh và hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Người dân được thụ hưởng một môi trường sống và làm việc tốt hơn, doanh nghiệp được tạo điều kiện để phát triển, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, kinh tế xã hội phát triển bền vững.
Lợi ích việc xây dựng đô thị thông minh là việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền, cảm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn; tiếp cận dịch vụ tốt hơn; sống trong môi trường an toàn và trong sạch hơn; kinh tế phát triển bền vững…
Đô thị thông minh tạo động lực cho phát triển những lĩnh vực kinh tế theo định hướng phát triển xanh sẽ phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp địa phương, đảm bảo kiểm soát tốt môi trường, khai thác tài nguyên một cách hiệu quả và đẩy mạnh công nghiệp có hàm lượng chất xám cao ở địa phương, hướng đến nền kinh tế tri thức. Đô thị thông minh sẽ đẩy mạnh sự liên kết khu vực và quốc tế, khuyến khích sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp làm cho nền kinh tế của địa phương năng động và sáng tạo, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển theo hướng chuyển dịch mạnh sang cơ cấu dịch vụ và hội nhập.
Người dân sống trong đô thị thông minh ngoài việc được sống trong môi trường an toàn, không ô nhiễm, sẽ còn được hưởng đầy đủ các dịch vụ chất lượng về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông thuận tiện. Ngoài các dịch vụ hành chính công đã và đang được cung cấp, người dân sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ công ích khác như y tế, giáo dục, bảo hiểm... Các dịch vụ này được cung cấp bình đẳng cho mọi tầng lớp trong xã hội do sự phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đô thị thông minh cho phép kết nối đồng bộ nhiều lĩnh vực trong một không gian đô thị, từ đó tích hợp được đầy đủ thông tin về kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của thành phố, như: cung cấp đầy đủ thông tin cho công tác quy hoạch phát triển đô thị về hạ tầng điện nước, giao thông đến hạ tầng kinh tế xã hội, đảm bảo một quy hoạch hợp lý và khoa học, khắc phục được vấn đề bất cập hiện nay do cách làm quy hoạch truyền thống bị thiếu thông tin khách quan, thông tin dự báo. Các vấn đề về dịch vụ cuộc sống được phát triển có một quy hoạch cân đối nên người dân ở đâu cũng đảm bảo điều kiện tiếp cận đến các dịch vụ một cách nhanh chóng và bình đẳng.
Đô thị thông minh cho phép chính quyền có thể vận hành và giám sát các hệ thống cơ sở hạ tầng một cách thông minh nhất thông qua hệ thống quản lý giám sát tự động. Các hệ thống giao thông, môi trường, thu gom rác thải, điện nước đều được quản lý vận hành và giám sát tập trung. Hệ thống giám sát cũng đảm bảo cho thành phố an toàn hơn.
Kết quả thực hiện và chuẩn bị đưa trung tâm điều hành đô thị thông minh vào hoạt động.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nằm trong khuôn viên trụ sở UBND thành phố, với phòng điều hành có diện tích 60m2, trang bị 9 màn hình tấm ghép, 6 bộ máy tính phục vụ giám sát; Trang bị 01 đường truyền internet tốc độ 200Mbps trong nước/8Mbps quốc tế; 06 điện thoại di động, 02 Ipad; Tổng đài số 19009113 phục vụ điều hành, tiếp nhận phản ánh của người dân; Trang bị 01 firewall, đường truyền riêng với hệ thống camera của Công an tỉnh, đảm bảo dữ liệu được bảo mật và an toàn. Phần mềm lõi đã được đầu tư xây dựng đúng theo yêu cầu và đã cài đặt trên hạ tầng của Trung tâm tích hợp tỉnh theo địa chỉ truy cập hệ thống: https://iocprtc.ninhthuan.gov.vn/. Phần mềm đã tích hợp được 06 hệ thống lấy dữ liệu, phân tích và vẽ biểu đồ tự động, bao gồm: Hệ thống Quản lý văn bản; Hệ thống Dịch vụ công; Hệ thống Phản ánh hiện trường; Hệ thống thông tin ngành Giáo dục; Hệ thống thông tin ngành Y tế; Hệ thống Giám sát thông tin trên môi trường mạng.
Hiệu quả đem lại sau khi Trung tâm IOC đi vào hoạt động.
Thu thập dữ liệu, phân tích, tổng hợp, hỗ trợ công tác quản lý, lãnh đạo (Quản lý hồ sơ công việc, Quản lý dịch vụ công, Thông tin lĩnh vực y tế, thông tin lĩnh vực giáo dục, Quản lý khiếu nại của người dân, Thông tin trên môi trường mạng); Tập trung lưu trữ toàn bộ dữ liệu tại trung tâm điều hành, đảm bảo tính toàn vẹn, thống nhất và chia sẻ; Điều hành nhanh, nhịp nhàng với đầy đủ thông tin, tài nguyên và nguồn lực; Trung tâm IOC hoạt động sẽ hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý, người dân được tham gia tương tác với hoạt động nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ hiệu lực, hiệu quả.
Các dịch vụ công tích hợp giữa các cơ quan nhà nước và được cá nhân hóa giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin. Người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin và công cụ tiện ích để thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, yêu cầu, kiến nghị theo thời gian thực; Bổ sung thêm kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân qua đầu số 19009113, ngoài các kênh tiếp nhận phản ánh của tỉnh (02591022, Zalo Offical “Chính quyền điện tử Ninh Thuận”, Fanpage “NinhThuanIOC”); Cung cấp các công cụ hỗ trợ người dân tập trung, nhanh chóng, hiệu quả. Mang đến cho người dân môi trường an ninh hơn, an toàn hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đồng chí Trần Quốc Nam – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận trao Cờ thi đua của Chính phủ cho lãnh đạo thành phố Phan Rang-Tháp Chàm
Cũng trong buổi lễ khai trương này, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đón nhận cờ thi đua của Chính phủ theo quyết định số 511/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Nhân dân và Cán bộ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của tỉnh Ninh Thuận. Uỷ ban nhân dân thành phố cũng tặng giấy khen cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (IOC).
Nguồn: Trang thông tin điện tử Đảng bộ TP. PRTC