THÀNH PHỐ PHAN RANG – THÁP CHÀM QUA 3 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ LẦN THỨ XII

Giai đoạn 2020-2022 là những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII và Kế hoạch 05 năm 2020-2025 trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dự án trên địa bàn chậm triển khai, đời sống một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập thiếu ổn định, nhất là địa bàn vùng nông thôn, ven biển. Song, với quyết tâm chính trị cao, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã nỗ lực cụ thể hóa chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy triển khai các Chương trình, Nghị quyết, Chỉ thị, Đề án, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII phù hợp, khả thi với tình hình thực tiễn của địa phương; Đổi mới, sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, quyết liệt trong hành động, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, từng bước xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh, tích cực hội nhập các vùng kinh tế, nhất là vùng kinh tế trọng điểm, tạo khí thế phấn khởi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

3 năm qua, Đảng bộ thành phố đã tập trung xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tố chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII gắn với Chỉ thị 05 -CT/TW của Bộ Chính trị, khóa XII đạt kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần nhận diện, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong toàn Đảng bộ; Tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo 35 thành phố về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng được chú trọng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm đúng mức. Từ năm 2020 đến năm  2022, toàn Đảng bộ đã kết nạp 382/450 đảng viên mới, đạt 84,9% so với bình quân kế hoạch giao hàng năm và đạt 58,8% so với cả nhiệm kỳ. Công tác vận động quần chúng, bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra giám sát nhằm tăng cường kỷ cương kỷ luật trong Đảng luôn được duy trì. Chất lượng hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng từng bước đi vào chiều sâu. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng ở cơ sở.

Kinh tế thành phố 3 năm qua cũng đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là tập trung triển khai thực Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 02/02/2021 của Ban thường vụ Thành ủy về phát triển ngành thương mại-dịch vụ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, cốt lõi là phát triển đô thị du lịch giai đoạn 2021- 2025. Ngành thương mại - dịch vụ có bước phát triển về quy mô, chất lượng, thể hiện vai trò động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố. Giá trị sản xuất năm 2022 trên 7.630 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5,11%, đạt 60% so với Nghị quyết, chiếm tỷ trọng 60,9% cơ cấu kinh tế thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng năm đạt mức 20.000 -25.000 tỷ đồng, tăng bình quân 15,85%/năm, số cơ sở sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố phát triển nhanh về số lượng và năng lực kinh doanh. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu được quan tâm thực hiện tốt, bước đầu đã xây dựng và phát triển một số thương hiệu sản phẩm OCOP, mang tính đặc thù của địa phương. Dịch vụ vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, bất động sản, xây dựng,… tiếp tục phát triển và hoạt động khá đa dạng, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ.

  Sở hữu bờ biển Bình Sơn – Ninh Chữ, một trong những bờ biển đẹp của Việt Nam, đồng thời là cầu nối giữa các điểm, tuor du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trong tỉnh như: Vĩnh Hy, làng nghề truyền thống Mỹ Nghiệp, đặc biệt là sở hữu công trình có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1979, đó là tháp PoKlong Girai, được xem là cụm Tháp Chàm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, nên có thể nói du lịch là tiềm lực kinh tế trọng điểm thành phố hướng đến và đang ra sức xây dựng hình ảnh một thành phố du lịch văn minh và thân thiện – điểm đến lý tưởng của du khách, với nhiều dự án du lịch quy mô lớn được đầu tư nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch hội thảo, hội nghị được hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Số lượt khách du lịch hàng năm đến thành phố khoảng 1,68 - 1,95 triệu lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 50 đến 60 nghìn lượt, khách nội địa khoảng 1,6 đến 1,8 nghìn lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.000 đến 1.120 tỷ đồng mỗi năm, tăng trưởng bình quân 21,04%/năm.

Thành phố xác định phát triển công nghiệp là động lực, nhằm thực hiện chủ trương đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với quá trình đô thị hóa, nhất là tập trung thực hiện Chương trình hành động số 127-CTr/TU ngày 15/4/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 19/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục đầu tư và mở rộng khu công nghiệp, sản xuất theo hướng công nghiệp xanh, bền vững, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật của Cụm công nghiệp Tháp Chàm và Khu công nghiệp Thành Hải, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh, phát triển ngành nghề; Một số dự án lớn về quy mô, tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14,1%, chiếm tỷ trọng 21,7% trong cơ cấu kinh tế. Quan tâm phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, trong đó chủ trương phát triển một số ngành, nghề truyền thống, giải quyết nhu cầu việc làm cho khoảng 21 đến 22 ngàn lao động địa phương mỗi năm.

Riêng đối với ngành nông nghiệp, công tác phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với quá trình đô thị hóa, đạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất sản xuất được thành phố chú trọng; Tập trung đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường; Quan tâm đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ, chú trọng những vùng sản xuất tập trung ở Đô Vinh, Văn Hải, Thành Hải. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 4,8%/năm, chiếm 4,7% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp năm 2022 ước đạt 307,8 triệu đồng, tăng gấp 1,12 lần so với năm 2020.

Với mục tiêu phát triển thủy sản gắn khai thác với bảo vệ tài nguyên môi trường và bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo, những năm qua, thành phố PRTC đã tranh thủ các nguồn lực, các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để phát triển ngành thủy sản cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến, đặc biệt là thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 và Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 một số chính sách phát triển thủy sản. Từ chính sách ưu đãi này, ngư dân thành phố đã được hỗ trợ đầu tư đóng mới, cải hoán 26 tàu thuyền với tổng công suất 19.830 CV, nâng tổng số tàu thuyền thành phố hiện 396 chiếc với tổng công suất 94.946 CV, bình quân gần 240CV/thuyền, số tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên chiếm trên 70%, góp phần nâng sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt khoảng 14.000-15.000 tấn các loại, đạt tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản bình quân 4,6%/năm, chiếm tỉ trọng 2,1% trong cơ cấu kinh tế thành phố.

Kinh tế phát triển đã góp phần để thành phố hoàn thành tốt công tác thu ngân sách nhà nước, kết quả thu giai đoạn 2020-2022 tăng bình quân 15%/năm. Thành phố cũng đã chủ động, linh hoạt trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đã được cho phép; khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ đất đai, tài sản đầu tư phát triến hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng đô thị loại II. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế thành phố hỗ trợ, phường, xã đầu tư các công trình dân sinh; một số công trình hạ tầng kinh tế, xã hội đi vào hoạt động, kịp thời giải quyết nhu cầu đời sống xã hội, giao thương, buôn bán của người dân.

Song hành với phát triển kinh tế, hệ thống công trình hạ tầng đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị, thành phố cũng đã và đang ra sức hoàn thiện. Đến nay, kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố đã cơ bản hoàn thiện đồng bộ. Chất lượng đời sống của người dân thành phố được nâng cao. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đô thị loại II, phấu đấu trở thành đô thị loại I, từng bước xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh, tích cực hội nhập các vùng kinh tế, nhất là vùng kinh tế trọng điểm. Tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Nhiều dự án hạ tầng đô thị quy mô lớn được đầu tư về hệ thống giao thông, cây xanh, chiếu sáng đô thị, hệ thống cấp nước sinh hoạt. Các công trình văn hóa, khu dân cư được đầu tư và mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, đến nay thành phố đã cơ bản đạt được 52/59 tiêu chuẩn đạt về đô thị loại II theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển khá toàn diện, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống trường lớp tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhất là vùng biển, nông thôn. Đến nay, toàn thành phố có 45 trường công lập. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp đều đạt chuẩn theo quy định. Chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm, đến nay có 17/45 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 37,7%. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng mở rộng, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập, bước đầu đáp ứng nhu cầu xã hội về chất lượng và môi trường giáo dục. Hoạt động khuyến học được đẩy mạnh, cơ sở vật chất của Trung tâm học tập cộng đồng 16 phường, xã được quan tâm đầu tư, hàng năm mở từ 250 - 270 lớp với hơn 21.000 lượt học viên tham gia bồi dưỡng các chuyên đề giáo dục về kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khoẻ, kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống

  Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế về chuyên môn, chú trọng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện tốt chủ trương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 93,8% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến nay toàn thành phố có 14/16 trạm y tế phường, xã; 93,8% phường, xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

  Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh. Thực hiện tốt việc bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các công trình có giá trị lịch sử, văn hoá, công trình kiến trúc đã được xếp hạng. Đến nay, đã có 115 thôn, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, 12 phường đạt chuẩn Văn minh đô thị, 01 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới nâng cao.

Hoạt động thể dục thể thao chuyển biến khá rõ nét, mang tính quần chúng sâu rộng; thường xuyên tổ chức và tham gia các giải đấu thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích cao. Phong trào thể dục thể thao được nhân dân quan tâm và thu hút nhiều người tham gia. Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực thể dục thể thao trong thời qua phát triển mạnh mẽ; huy động nhiều nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho các hoạt động và xây dựng các cơ sở vật chất thể dục thể thao, qua đó đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần phát triển phong trào rèn luyện, nâng cao sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có hơn 150 điểm tập thể dục thể thao với đầy đủ các loại hình, môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi như: sân bóng đá mini, quần vợt, cầu lông, yoga, thể hình và võ thuật…đã cơ bản đáp ứng cho nhu cầu luyện tập thể dục thể thao ngày càng cao của nhân dân.

Các chính sách an sinh xã hội và hoạt động đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ và kịp thời, trong đó, công tác giảm nghèo luôn được Cấp ủy, Chính quyền thành phố PRTC quan tâm đúng mức, huy động tinh thần trách nhiệm và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt là thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong 3 năm qua, các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Có 11.554 lượt hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách – Xã hội với tổng số tiền 345 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vì người nghèo hỗ trợ xây mới 02 nhà đại đoàn kết và sữa chữa 27 nhà ở cho hộ nghèo với kinh phí hỗ trợ 620 triệu đồng. Từ nguồn quỹ Bảo trợ trẻ em, trong 3 năm qua đã có 593 suất học bổng trị giá 328 triệu đồng được trao cho các em học sinh vượt khó học giỏi; Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 theo Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68 của Chính phủ với số tiền gần 55 tỷ đồng.

  Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề ngắn hạn trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có nhiều chuyển biến tích cực, với nhiều hình thức đa dạng, tập trung chủ yếu lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của địa phương. Trong 3 năm qua, đã giới thiệu việc làm mới cho 11.208 lao động, bình quân mỗi năm có khoảng 3.736 lao động có việc làm, trong đó có 40 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đảm bảo quốc phòng – an ninh cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ và Chính quyền thành phố tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương đặc biệt chú trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phát triển kinh tế phải đi đôi với hoàn thành nhiệm vụ quân sự quốc phòng và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Thành phố luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong công tác giao quân hằng năm. Đi đôi với công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng công an thành phố thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm và các tai tệ nạn xã hội trong nhân dân. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ phạm pháp hình sự đạt 94,3%. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương xây dựng, củng cố các mô hình quần chúng bảo vệ ANTQ ở cơ quan, doanh nghiệp và các địa bàn dân cư, nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật; hàng năm có 100% khu dân cư, phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”.

Với phương châm hành động “Đoàn kết -Kỷ cương - Quyết liệt - Linh hoạt - Sáng tạo - Hiệu quả" và tinh thần: “Nhận thức là phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng phải kịp thời, xử lý phải nghiêm minh"; trong nửa cuối nhiệm kỳ còn lại, Đảng bộ và Nhân dân thành phố PRTC quyết tâm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh toàn diện; Phát huy dân chủ, truyền thống đoàn kết, ý chí và khát vọng xây dựng, phát triển thành phố. Khai thác tiềm năng lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II; tận dụng hiệu quả cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đột phá phát triển thương mại và dịch vụ, trong đó cốt lõi là phát triển đô thị du lịch; tạo môi trường thông thoáng, phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, ưu tiên đối với các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, sạch và thân thiện môi trường. Bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực. Củng cố quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm là đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, văn minh từng bước trở thành đô thị thông minh./.

 

Thanh Tâm