Miếu Năm Bà – Phường Bảo An – Tp. PRTC, tỉnh Ninh Thuận được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh .
Ngày 28/02/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 238/QĐ-UBND về việc xếp hạng Miếu Năm Bà, phường Bảo An, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Miếu Năm Bà, phường Bảo An, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh Miếu Năm Bà là cơ sở tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân trong khu vực phường Bảo An, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Miếu không chỉ có giá trị về lịch sử văn hóa mà còn gắn với các phong trào cách mạng, phong trào kháng chiến quan trọng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong cách mạng Tháng 8 năm 1945, Miếu là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật của chính quyền Việt Minh, là nơi tổ chức các hoạt động nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi hội họp của Dân quân du kích địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Miếu là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, phát động các phong trào tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và nhiều hoạt động yêu nước, đưa tiễn con em địa phương lên đường nhập ngũ. Khi đất nước hòa bình, Miếu là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng của người dân địa phương.
Ngày nay, hàng năm tại Miếu Năm Bà, Tỉnh Đoàn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống và nghe các đồng chí lão thành cách mạng kể chuyện về diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh ta (ngày 21/8/1945) cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh; qua đó, giáo dục, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ hôm nay.
Việc xếp hạng di tích lịch sử Miếu Năm Bà nhằm xác lập cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia thực hành di sản văn hóa tại Miếu Năm Bà.
Trong niềm vui đó, chúng tôi đã tìm đến tham quan nơi này và rất vui mừng khi chúng tôi vẫn còn được gặp gỡ nhân vật lịch sử- bà Lê Thị Sáo - người đã tham gia hoạt động cách mạng tại nơi này, năm nay bà đã 94 tuổi.
Miếu Năm Bà là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. Miếu không chỉ có giá trị về lịch sử văn hóa mà còn gắn với các phong trào cách mạng, phong trào kháng chiến quan trọng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong cách mạng Tháng 8 năm 1945, Miếu là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật của chính quyền Việt Minh, là nơi tổ chức các hoạt động nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi hội họp của Dân quân du kích địa phương. Và chính nơi đây, trưa ngày 20-8-1945, Ủy ban Việt Minh tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị bất thường bàn kế hoạch biến cuộc mít tinh của tổ chức “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật thành cuộc mít tinh công khai của Việt Minh, vạch mặt phát-xít Nhật và bè lũ tay sai, kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi về tay nhân dân vào ngày 21/8/1945. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Miếu là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, phát động các phong trào tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và nhiều hoạt động yêu nước, đưa tiễn con em địa phương lên đường nhập ngũ. Khi đất nước hòa bình, Miếu là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng của người dân địa phương.
Hằng ngày, bên ngôi miếu hơn 200 năm tuổi này, bà Sáo vẫn ngồi bên gốc me cổ thụ hơn 100 năm tuổi, tay quét vôi, khuấy trầu để ăn, một thói quen mấy mươi năm nay của bà. Mắt nhìn ti vi, xem những tuồng cải lương để giải trí. Mỗi ngày của bà đều trôi qua bình lặng như thế. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng bà vẫn còn minh mẫn để kể cho chúng tôi nghe một vài câu chuyện. Bà kể: Ngôi miếu Ngũ hành, còn gọi là miếu Năm Bà, có từ khoảng cách đây gần 200 năm. Khi bà lớn lên, thì xung quanh khu vực miếu này là rừng rậm, chứ không phải đông dân cư và thoáng đãng, tinh tươm như bây giờ. Và bà còn nhớ những câu chuyện mà bà cùng chồng và người thân trong gia đình đã tham gia hoạt động cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến. Câu chuyện bà nhớ nhất là : những năm bà 16 tuổi, bà đã làm giao liên cho cách mạng. Hằng ngày lợi dụng việc chăn bò, bà đã leo lên cây cóc rừng được trồng trước miếu ( hiện giờ cây cóc vẫn còn) để quan sát. Nếu phát hiện quân địch tiến sang qua chiếc cầu và đi về hướng Miếu là bà liền la lớn: " bò ăn lúa, bò ăn lúa" để báo động cho lực lượng Việt Minh biết. Một thời gian sau, bà bị địch nghi ngờ. Bà bị bắt và tra tấn dã man. Nhưng bà kiên quyết không khai bất cứ điều gì.
Bà nói thêm: Ngôi miếu Năm Bà này hàng ngày vẫn thường xuyên có người lui tới. Đặc biệt những ngày rằm mồng một thì nhiều người đến hơn. Mỗi năm đều có những thanh niên tới nghe bà hoặc những cô chú lớn tuổi kể chuyện về truyền thống lịch sử cách mạng. Thấy các cháu vẫn còn biết ơn đến những lịch sử cách mạng, bà cũng vui trong lòng.
Mấy mươi năm trước đây, bà Sáo và mẹ của bà thay nhau trông coi Miếu Năm Bà. Những năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, con gái của bà tiếp tục chăm sóc ngôi miếu này. Bà chia sẻ có con gái của bà thay bà chăm lo hương khói, quét dọn cho Miếu, bà cũng thấy an lòng hơn.
79 năm trôi qua, Miếu Năm Bà một chứng tích lịch sử, trường tồn với thời gian. Với sự quan tâm chăm lo của Đảng bộ, chính quyền địa phương và người dân trong vùng đã hiến đất, miếu Năm Bà ngày càng khang trang và thoáng mát hơn. Hàng năm, nhiều đoàn đến tham quan và được nghe kể về truyền thống lịch sử của ngôi miếu này.
Chị Mai Huệ Anh Đài- Bí thư Đoàn phường Bảo An chia sẻ: "Hằng năm, Đoàn phường tổ chức cho các bạn Đoàn viên thanh thiếu niên đến tham quan và nghe kể chuyện truyền thống cách mạng tại Miếu Năm Bà. Từ những câu chuyện truyền thống cách mạng này đã giúp các thế hệ trẻ hôm nay càng hiểu rõ hơn về những hy sinh thầm lặng, những chiến công oanh liệt của các thế hệ cha ông đã hy sinh tuổi thanh xuân và cả tính mạng của mình để quyết giữ cho tổ quốc trường tồn. Để từ đó, trong mỗi Thanh niên chúng tôi được bồi đắp thêm lòng biết ơn các thế hệ cha ông. Và biến thành sức mạnh, nuôi dưỡng hoài bão, chung tay gìn giữ thành quả cách mạng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp."
Việc xếp hạng di tích lịch sử Miếu Năm Bà vừa qua là niềm vui lớn của bà Sáu cũng như cán bộ, nhân dân phường bảo An. Vì đây là cơ sở để xác lập cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia thực hành di sản văn hóa tại Miếu Năm Bà.
Được biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị của Miếu Năm Bà theo quy định; đồng thời, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp; trong trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích vào mục đích khác phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Hải Bình