Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 05 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; Phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phátxít Nhật, Pháp”; Phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và Phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”. Đề cương trình bày một cách ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, với phương pháp tiếp cận khoa học
80 năm qua, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) là văn kiện tiêu biểu nhất. Nghị quyết này thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận và năng lực đúc kết thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa nước nhà của Đảng những năm đầu đổi mới; chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và khoa học. Các quan điểm chỉ đạo phát triển văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà Nghị quyết lần đầu tiên khái quát, hệ thống hóa bao gồm: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, trong đó, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Văn hoá là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng. Nghị quyết chỉ rõ: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương…”. Như vậy, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng, định hướng phát triển văn hóa trong điều kiện đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào đầu năm 2021, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, con người đóng vai trò chủ thể, đồng thời là mục đích của việc phát triển văn hóa. Đây vừa là kết quả của quá trình tiếp thu, đúc kết tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo trên mặt trận văn hóa của Đảng từ khi ra đời, đặc biệt là từ quá trình thực hiện Đề cương về văn hóa năm 1943; vừa là sự nhận thức nhạy bén về tình hình thực tiễn, là những dự báo khoa học về mục tiêu, tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ văn hóa trong thời kỳ mới của một dân tộc có nền văn hóa “sâu rễ bền gốc”, tích lũy, chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa qua hàng nghìn năm lịch sử.
80 năm trôi qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trước lúc đi xa, cũng là mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tại Đại hội XIII - vì một nước Việt Nam “hùng cường, thịnh vượng”…