SÔNG, HỒ, KÊNH, MƯƠNG, ĐẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PHAN RANG -THÁP CHÀM

1. Đập Lâm Cẩm: Đập ngăn nước đắp ngang sông Dinh từ phường Đô Vinh, Phan Rang - Tháp Chàm qua thôn Ninh Quý 3, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước.

2. Hồ Điều Hòa: Thuộc địa bàn phường Mỹ Bình, hồ nước tiếp giáp đường 16 tháng 4. Hồ có chức năng điều hòa khí hậu thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Năm 2014, chung quanh hồ là địa điểm chính diễn ra Lễ hội Nho và Vang quốc tế.

3. Hồ 16 tháng 4: Thuộc địa bàn phường Thanh Sơn, hồ nước tiếp giáp các đường 16 tháng 4, Ngô Gia Tự, Trần Quang Diệu, có chức năng điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan đẹp trung tâm thành phố.

4. Hồ Tấn Tài: Thuộc địa bàn phường Tấn Tài, hồ nước tiếp giáp đường Lê Lợi, Ngô Gia Tự, có chức năng điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan đẹp.

5. Kênh Bắc: Kênh Bắc là tên gọi ra đời thời Pháp thống trị, dẫn nước từ đập Nha Trinh, giáp xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn thuộc huyện Ninh Sơn chảy qua địa bàn phường Đô Vinh, xã Thành Hải thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các xã Xuân Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn đến thôn Phương Cựu, xã Phương Hải thuộc huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, dài 35.912m. Theo dòng lịch sử: “Năm 1897, Bá tước De Pérignon, người Pháp, mở đồn điền 4.000ha từ đèo Cậu qua Đắc Nhơn cho đến Mỹ Nhơn, nâng cấp, xây dựng đập Nha Trinh, bắt dân phu đào kênh ra phía Bắc. Đập Nha Trinh trước do dân đắp bằng đá và chà bổi, lấy nước đưa về phía Nam, De Pérignon cho đào kênh, xây bê tông đưa nước ra phía Bắc, dân gian gọi là mương Ông Giàu. Sau đó De Pérignon bán lại cho người Pháp tên là Duval, Duval mở rộng diện tích ra thành 5.000ha bằng cách cướp đoạt ruộng đất của nhân dân, làng Đô Vĩnh nguyên cũng là đất của Duval cướp đoạt, (tên Đô Vinh là Việt hóa của tên Duval) ”.

6. Kênh G2: Dẫn nước từ thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn thuộc huyện Ninh Sơn đến các phường Đô Vinh, Bảo An thuộc Phan Rang - Tháp Chàm, dài 2.435m.

7. Kênh Lâm Cấm: Dẫn nước từ đập Lâm Cấm đến Cầu Bảo, phường Bảo An dài 1.986m. Theo dòng lịch sử: “Nguyên Cố đạo Villaume lập nhà thờ Tấn Tài năm 1882, mở đồn điền trồng lúa 1.000ha, bắt phu đắp đập Lâm Cấm, đào mương kênh lấy nước đưa về đồng ruộng”.

8. Kênh Tân Hội: Dẫn nước từ phường Bảo An, xã Thành Hải thuộc Phan Rang - Tháp Chàm đến khu phố Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải thuộc huyện Ninh Hải, dài 7.376m.

9. Mương Cát: Dẫn nước qua các phường từ Thanh Sơn đến Đài Sơn.

10. Mương Chai: Thuộc địa bàn phường Bảo An. Mương Chai trùng tên gọi xưa vùng làng Chăm Phú Nhuận thuộc huyện Ninh Phước.

11. Mương/Kênh Chà Là: Dẫn nước qua các phường từ Đài Sơn, Tấn Tài, Mỹ Hải, đến Mỹ Bình.

12. Mương Don: Thuộc địa bàn phường Phước Mỹ.

13. Mương Ngòi: Dẫn nước qua các phường từ Đô Vinh, xã Thành Hải, đến phường Văn Hải.

14. Mương Ông Cố: Dẫn nước các phường từ Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Mỹ Hương, Tấn Tài, Mỹ Đông, Mỹ Hải đến Đông Hải thuộc Phan Rang - Tháp Chàm, dài 6.550m. Kênh còn có tên mương Nhà Chung.

15. Mương Tà Liêm: Dẫn nước qua các phường từ Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Thành Hải, đến Văn Hải.

16. Sông Cái (Sông Dinh): Bắt nguồn từ sông Tô Hạp huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa chảy vào xã Phước Bình tiếp nhận các phụ lưu là sông Trương, sông Ma Lâm trong huyện Bác Ái, sông Pha (Krông Pha, sông Ông), sông Cho Mo, sông Chá trong huyện Ninh Sơn, chảy vào đồng bằng Phan Rang tiếp nhận thêm phụ lưu là sông Quao, sông Lu, cuối sông ra đến Biển Đông. Tổng chiều dài sông 119km, lưu vực 3.000km2, chiều rộng trung bình lưu vực sông 31,6m, độ sâu nước vào mùa khô từ 1,6m đến 2m, mùa mưa từ 3m đến 5m. Sông có nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi địa phương: gọi là sông Cái từ huyện Bác Ái, chảy qua xã Lương Sơn, thị trấn Tân Sơn, các xã Quảng Sơn, Mỹ Sơn, Nhơn Sơn huyện Ninh Sơn, gọi là sông Dinh từ Nha Hố, xã Nhơn Sơn cho đến địa phận Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Phước, cuối sông là cửa biển phường Đông Hải. Theo mỗi thời kỳ lịch sử, sông Cái có tên gọi khác nhau: sông Phan Rang, ngày xưa tên là sông Mai Lang, Mai Nương, sông Mai Lung. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Sông Phan Rang nguồn ra tự hai núi Tham Lý và Tà Trú, chảy qua thôn Thịnh Mỹ, chảy về phía Nam 14 dặm đến xã Đắc Nhơn gọi là sông Mai Lung, lại 19 dặm đến thôn Phước Khánh. Có sông Ma Nãi (...), từ trong sách Man ra, chảy về phía Bắc làm sông Cai Gia, chuyển về phía Đông làm sông Tà Thang, lại chảy về phía Nam làm sông Tà Na Sũng, chảy qua cầu thôn Tăng Lộc, gồm 32 dặm đến hợp vào, lại chảy 10 dặm đến rừng thôn An Hòa. Có sông Ma Bố từ thôn Đại Định chảy về phía Đông Bắc 37 dặm đến hợp vào lại chảy về phía Nam 3 dặm mà đổ ra cửa biển Phan Rang”. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí biện soạn từ thời Vua Gia Long ghi: “Sông lớn, sông rộng 75 tầm, nước Sông trong và ngọt, mùa xuân hè có thể lội qua, thu đông vì mưa lụt nên chỉ có thuyền mới qua được. Đi lên 2.750 tầm đến đập Nha Trinh, 73.279 tầm đến đầu nguồn hai múi Tà Trú và Sâm Rí, đi xuống 7. 640 tầm đổ ra cửa biển Phan Rang, sông này chảy đến chợ Lầu Điếm ở thôn An Hòa thì dừng”'.

Có thơ rằng:

- Sông Dinh có tự bao giờ

Để xóm làng ta bây giờ đông đúc thế

Những Phú Thọ, Đông Ba, những xóm Cồn, xóm Láng

Những Phước Thiện, Phước An, Đồng Mé, Nhơn Sơn

Đường rộng thênh thang, những dãy nhà cao vợi

Cầu Đạo Long nối khát vọng đôi bờ

(Hữu Lợi: Ơi con sông Dinh)

 - Sông Dinh ơi mùa xuân nữa lại về

 Mai vàng nỞ giữa đôi bờ thương nhớ

(Ánh Hồng: Xuân gọi)./.

(Theo sách ĐỊA DANH TỈNH NINH THUẬN XƯA & NAY- Tg Đình hy)

 

 

Kim Khánh (BBT)