BÁC HỒ DÙNG TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ NÓI VỀ MỐI QUAN HỆ CÁN BỘ CAO TUỔI – CÁN BỘ TRẺ
Chúng ta đang thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tìm hiểu trong sách báo, bài nói chuyện của Bác Hồ, hầu như lĩnh vực nào, ngành nghề nào, Bác cũng viết và nói sâu sắc, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ. Trong đó thường khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, khi viết báo, viết sách về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức cách mạng, Bác Hồ vận dụng những câu tục ngữ, thành ngữ dân gian quen thuộc vào nội dung, từ đó bài nói chuyện, bài báo trở nên sinh động, gần gũi với người đọc, người nghe.
Bài viết này giới thiệu cách Bác Hồ dùng tục ngữ, thành ngữ trong các bài viết của mình khi nói về mối quan hệ cán bộ cao tuổi – cán bộ trẻ.
Phân tích mối quan hệ cán bộ cao tuổi với cán bộ trẻ trong bộ máy tổ chức, Bác Hồ giải thích rất biện chứng, nhưng cũng hết sức giản dị làm cho mọi cán bộ già – trẻ khi nghe đều cảm thấy thoải mái vì đó là lẽ tự nhiên. Bác viết: “Trong lãnh đạo cần có già, có trẻ. Công việc ngày càng mới, càng về sau này, càng nhiều cái mới, càng ít cái cũ. Con người ta đẻ ra, ai cũng lớn lên, già đi, rồi chết. Chết rồi thì bảo người ta bầu sao được. Có người nay còn lãnh đạo đó, nhưng sau này tiến lên máy móc, nếu không biết kỹ thuật, có lãnh đạo được không? Nếu không biết, phải mời anh ra, cho người khác giỏi hơn vào làm… chớ không phải như ngày xưa mà tưởng rằng “sống lâu lên lão làng”. (Bài nói chuyện với những Đảng viên hoạt động lâu năm – ngày 9/12/1961. In trong sách Về vấn đề cán bộ, NXB Sự Thật, 1974).
Bác nói đến một vấn đề kế thừa trong công tác cán bộ hết sức tế nhị: “Vì vậy Đảng nói: cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ. Các đồng chí già đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường. Nhưng không thể nạnh kẹ: chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lớn lên đã được đi xe. Thế là nạnh người đi xe. Có đúng không? Sau này đến Cộng sản chủ nghĩa, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia. Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu: “măng mọc quá pheo”. Măng mọc sau mà tốt hơn tre đấy”. (Bài nói chuyện với những Đảng viên hoạt động lâu năm – ngày 9/12/1961, sđd).
Sau này, vào năm 1967 khi nói chuyện với một lớp bồi dưỡng cán bộ, Bác lại dùng câu: “măng mọc quá tre” hết sức tinh tế: “Đảng ta phải kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha – chú” với cán bộ trẻ, Đảng viên trẻ nói cái gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “măng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm”. (Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng cấp huyện ngày 18/01/1967, in báo Nhân Dân ngày 14/3/1967).
Tóm lại, về mối quan hệ cán bộ cao tuổi – cán bộ trẻ vốn là một mối quan hệ rất tế nhị, nhạy cảm. Từ những bài nói chuyện, bài viết của Bác về vấn đề này, thỉnh thoảng có những câu tục ngữ, ca dao vận dụng vào nội dung một cách thích hợp đã làm cho người nghe, người đọc, nhất là cán bộ già – trẻ, tiếp thu hết sức tự nhiên, thoải mái và tạo thêm tự tin để thực hiện công tác cán bộ, công tác cách mạng.
Đình Hy