Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh: Đình Đạo Long

Đình Đạo Long thuộc khu phố 5, phường Đạo Long, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Đình Đạo Long được xây dựng hoàn thành vào năm 1824, với sự đóng góp của nhân dân địa phương đứng đầu là ông sư chủ Lê Hưng Nhân. Ngôi đình được xây khang trang trên gò đất cao do sông Dinh bồi đắp gồm các kiến trúc: Tòa chánh điện, nhà Đông, nhà tây, nhà Tiền hiền, cổng tam quan, nhà khói, nhà phẫm vật, cột cờ, 02 miếu thờ thần nông và ngũ hành ở phía Đông và phía Tây sân Đình, 02 tượng thờ: Ông thiện, ông ác được đắp nổi ở trước tiền Đình, vòng thành …

Với nguyên liệu chủ yếu bằng ống ghè, vữa vôi trộn mật mía, ngói âm dương. Kiến trúc bên trong Đình Đạo Long có sự kết hợp hài hòa giữa 02 dạng nhà chính (nhà tứ trụ và nhà ba gian). Với kỹ thuật rắp láp mộng truyền thống, các bộ phận liên kết với nhau thành một thể thống nhất rất vững chắc cho thấy sự quan tâm đầu tư công sức cùng với sự khéo léo từ bàn tay của các bậc tiền nhân trong việc thực hiện các mảng trang trí đặc biệt là trang trí trên bộ vì kèo ở tòa chánh bái (gian Tiền đàng và gian Hậu tẩm) và các mảng chạm khắc trên các liễn đối, liên cảnh, khám thờ thần, bàn thờ, hoành phi … đã được các nghệ nhân xưa đưa vào trang trí một cách công phu tinh tế, làm cho các mảng chạm khắc trở nên sinh động, có hồn trong sự linh thiêng vốn có của ngôi Đình.

Cũng như các ngôi Đình khác, bên cạnh những giá trị  về mặt kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, Đình Đạo Long còn gắn liền với đời sống tâm linh của cư dân trong làng. Đình là nơi thờ thần Thành Hoàng là vị thần bảo hộ cư dân ở thôn làng, phù hộ cho dân làng được an khang thịnh vượng. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của nhân dân địa phương từ bao đời nay, với nghi thức tế lễ, cúng tế vẫn được duy trì nguyên giá trị.

Ngôi đình dưới triều vua Nguyễn đã được sắc phong bốn lần: sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 33 (1879), Đồng khánh năm thứ hai (1886), Duy Tân năm thứ ba (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924).

Đình Đạo Long được UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận di tích nghệ thuật cấp tỉnh theo quyết định số 2269/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2016.

Xuân Thoa