Di tích Đề-pô xe lửa Tháp Chàm - Phường Đô Vinh

Những ngày đầu thành lập Đảng

Trên lộ trình đường sắt xuyên Việt, giao lộ 27A đi Đà Lạt, trong địa phận thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ga Tháp Chàm hiện ra là một nhà ga nhỏ, xinh xắn; hàng ngày tiếp nhận bao đoàn tàu xuôi ngược Bắc Nam… Chính tại Ga Tháp Chàm này những năm đầu thế kỷ 20 đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội mang tầm vóc khu vực miền Trung, góp phần vào trang sử vẻ vang của nhân dân Ninh Thuận và công nhân ngành Đường Sắt Việt Nam.

Ga Tháp Chàm thời bấy giờ là một quần thể hoạt động chuyên ngành đường sắt gọi là Sở Hỏa xa bao gồm: Nhà ga, Khu bảo trì, sửa chửa đầu máy toa xe, Khu ở công chức; người dân quen gọi là Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm (dùng danh tự cũ để phù hợp thời điểm đầu thế kỷ 20). Theo tài liệu thì đoạn đường sắt Nha Trang - Tháp Chàm - Sài Gòn hoạt động từ năm 1903; đường sắt từ Tháp Chàm đi Đà Lạt dài 84km, trong đó có 16km đường sắt răng cưa, khởi công xây dựng năm 1906 đến năm 1933 hoàn thành. Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm thực sự hoạt động nhộn nhịp từ sau sự kiện viên quan Toàn quyền Đông Dương khởi lệnh nối ray cuối cùng tại km 1221 ga Hảo Sơn, Phú Yên ngày 2-9-1938, hợp thông đường sắt xuyên Việt Bắc – Nam từ biên giới Trung Quốc vào, từ Sài Gòn ra. Thời điểm này, các chuyến tàu bằng hơi nước, than đá, đã chảy xuyên suốt đất nước, chủ yếu chuyên chở hàng hóa phục vụ công cuộc khai thác kinh tế thuộc địa của Pháp. Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm là 1 trong 5 cơ sở đường sắt lớn nhất Đông Dương bấy giờ cùng với Gia Lâm (Hà Nội), Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng (Quảng Nam), Dĩ An (Sài Gòn). Chính vì vậy, ngành Đường Sắt sớm hình thành giai cấp công nhân thuần túy như một số ngành dệt, khai thác mỏ than, đồn điền cao su… và sau này trở thành lực lượng tiên phong tham gia vào tổ chức Đảng, lãnh đạo nhân dân chiến đấu giành độc lập. Cũng do đặc điểm này Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm hoạt động mạnh nhiều lĩnh vực xã hội, kỹ nghệ và nhất là đấu tranh chính trị.

Theo tài liệu, với quy mô 200 công nhân, Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm hội tụ nhiều cá nhân ưu tú từ nhiều nơi khác vào làm việc, từ đây họ là hạt nhân tuyên truyền các tư tưởng chính trị tiến bộ. Ông Đoàn Quế, Đốc công Đề-pô, liên lạc với Nguyễn Hữu Hương, Trần Kỷ, quê tại Ninh Thuận, cùng Trần Hữu Duyệt, Lê Trọng Mân, Trần Hữu Chương, đảng viên Đảng Tân Việt từ Sài Gòn ra Ninh Thuận hoạt động. Đến cuối năm 1928, họ thành lập chi bộ Tân Việt tại làng Bảo An. Năm sau, Tân Việt Nam Kỳ cử Trần Đình Giáp ra làm thợ nguội tại Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm. Ở đây ông đã tuyên truyền vận động công nhân và thành lập chi bộ trong lòng Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm. Như vậy, các tổ chức chi bộ Tân Việt đầu tiên ở Ninh Thuận đều xuất phát, liên quan mật thiết từ những công nhân đường sắt ở Tháp Chàm. Khi phong trào phát triển mạnh, đảng Tân Việt thành lập cơ quan liên tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Viên, Đắc Lắc, Ninh Thuận, lấy bí danh là Ngũ Trang, trụ sở đặt tại khu vực Bảo An, Tháp Chàm. Tháng 4-1929, đảng Tân Việt chuyển thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Cơ sở đảng Tân Việt tại Ninh Thuận cũng đổi tên và hoạt động theo phương hướng mới.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 24-4-1930, các chi bộ Tân Việt tại Ninh Thuận chuyển thành các chi bộ Đảng Cộng sản theo chủ trương chung của cả nước, bao gồm chi bộ Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm, chi bộ Cầu Bảo, chi bộ Sở Muối Cà Ná và lập tổ chức quần chúng tại nhiều nơi: Vạn Phước, Đắc Nhơn, Phú Quý, Kinh Dinh. Đây là một chuyển biến quan trọng trong đời sống chính trị ở địa bàn Ninh Thuận. Từ đây những người cộng sản đã tập hợp đông đảo công nhân và quần chúng giác ngộ, tổ chức đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh cho người lao động. Thực dân Pháp ở Phan Rang hết sức hoang mang trước những cuộc đấu tranh của công nhân đường sắt và nhân dân.

Tiêu biểu cho nhiều cuộc đấu tranh thời kỳ Đảng mới ra đời, đó là cuộc tổ chức biểu tình ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930. Cuộc đấu tranh được hoạch định kỹ, phân công may cờ, in truyền đơn. Sáng sớm ngày 1-5 công nhân đi làm thấy cờ đỏ búa liềm xuất hiện trên đỉnh tháp nước ga Tháp Chàm và trên cây me cổ thụ làng Bảo An; truyền đơn rải nhiều khu vực ga, khu dân cư Bảo An. Cùng lúc đó, 120 công nhân Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và yêu cầu giới chủ thực hiện các quy định lao động. Nội dung gồm: tăng lương, ngày làm việc 8 giờ, bãi bỏ cúp phạt, phải phụ cấp khi công nhân ốm đau, tai nạn. Lính khố xanh được điều đến chuẩn bị đàn áp, nhưng đồng chí Trần Đình Giáp, đại diện công nhân đưa bản yêu sách cho viên quản đốc người Pháp. Nhận thấy không có lý do đàn áp nên lính khố xanh rút lui. Cuộc mít-tinh này có sức cổ vũ nhiều nơi trong tỉnh, tinh thần chống Pháp lên cao ở các vùng nông thôn và công nhân Sở Muối Cà Ná. Trong một báo cáo mật ngày 6-5-1930, Công sứ Pháp ở Ninh Thuận thừa nhận “Mặc dù đã kiểm soát nghiêm ngặt các tuyến đường xe hơi và những người từ các tỉnh khác đến, thật đáng buồn vẫn chưa tìm thấy những kẻ khởi xướng trực tiếp cuộc biểu tình tại Tháp Chàm, điều đó cho thấy chắc chắn rằng các tên chủ mưu cuộc vận động này vốn nằm ngay trong những viên chức hỏa xa…”

Có thể nói vừa ra đời, chi bộ Đảng tại Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm đã tổ chức đấu tranh đầu tiên trực diện với Pháp. Sau này, những công nhân, đảng viên cùng với đông đảo đồng bào, đồng chí ở Ninh Thuận đoàn kết đấu tranh cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975. Đã hơn 77 năm qua kể từ những hoạt động khởi đầu của những người công nhân yêu nước, cách mạng, cho đến nay hình ảnh Đề-pô Hỏa xa Tháp Chàm vẫn là hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân Ninh Thuận và ngành Đường Sắt Việt Nam.

Đã được UBND tỉnh Ninh thuận công nhận Di tích lịch sử theo QĐ số 111/2003/QĐ-UBND ngày 26/9/2003.

 

 

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy Ninh Thuận xuất bản, 1995.

- Ninh Thuận 30 chiến tranh giải phóng, Tập I, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1997.

- Tư liệu riêng của tác giả.

 

Tg: Đình Hy

(Trích trong tập: Phan Rang –Tháp Chàm trên đường phát triển, năm 2007)