SỔ TAY TUYÊN TRUYỀN THỤC HIỆN VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔ THỊ
SỔ TAY
TUYÊN TRUYỀN THỤC HIỆN VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔ THỊ
(Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Ninh Thuận ban hành năm 2016)
--------------------------------------------
LỜI GIỚI THIỆU
Ngày 19/02/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 513/KH-UBND về “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020; Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành và vận động nhân dân cùng đồng thuận thực hiện với mục tiêu tăng cường đầu tư cho văn hóa; xây dựng trật tự, kỷ cương; tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong nhận thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người dân Ninh Thuận đối với việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để biên soạn Sổ tay Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ trương thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016 và giai đoạn 2016 - 2020” đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư. Sổ tay Tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh đô thị được xây dựng dựa trên các văn bản pháp quy của Nhà nước liên quan đến việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh Ninh Thuận.
Đây là cuốn cẩm nang cung cấp tương đối đầy đủ các nội dung cần tuyên truyền để thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020” trên các lĩnh vực đời sống văn hóa xã hội. Với mục đích và tầm quan trọng như vậy, đề nghị các Sở, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào Sổ tay Tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh đô thị lựa chọn những nội dung phù hợp với mục đích, yêu cầu, đối tượng của từng ngành, từng địa phương, đơn vị mình, chủ động tổ chức triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức như truyền thanh, tờ gấp, nói chuyện chuyên đề, thảo luận, trực quan…
Nội dung Sổ tay Tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh đô thị gồm có:
Phần thứ nhất: Kế hoạch số 513/KH-UBND, ngày 19/2/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020.
Phần thứ hai: Nội dung tuyên truyền cách ứng xử và hành vi văn hóa, văn minh đô thị. Phần này được chia thành 8 nội dung:
1. Văn hóa học đường;
2. Nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng và ở khu dân cư;
3. Văn hóa công sở;
4. Văn hóa du lịch;
5. Văn hóa giao thông;
6. Một số nội dung cơ bản về quản lý vỉa hè;
7. Văn minh thương mại;
8. Quy định về quảng cáo, rao vặt, và bán hàng rong.
Hy vọng Sổ tay Tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh đô thị sẽ đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của tỉnh Ninh Thuận trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
PHẦN THỨ NHẤT
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
“Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” tỉnh Ninh Thuận năm 2016
và giai đoạn 2016 – 2020
(Ban hành theo Quyết định số 513;KH-UBND ngày 19/02/2016 của UBND tỉnh Ninh Thuận))
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020;
Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của UBND tỉnh giai đoạn 2016-2020;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về Đổi mới Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị 2016 – 2020, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư hiểu biết đầy đủ về pháp luật, nhận thức sâu sắc về chủ trương thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử văn minh nơi công cộng, góp phần xây dựng và giữ gìn Ninh Thuận ngày càng xanh – sạch – đẹp.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ:
a) Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về văn hóa, văn minh đô thị
- Giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện văn hóa – văn minh trong giao tiếp ứng xử tại cơ quan, đơn vị, ngành. Giao Sở Nội vụ chủ trì theo dõi, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện nội dung này với UBND tỉnh.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho học sinh, thanh thiếu niên để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, tuân thủ pháp luật.
- UBND các huyện, thành phố chủ trì, tổ chức triển khai công tác tuyên truyền giáo dục ở địa bàn dân cư thông qua các cuộc họp tổ, thôn, khu phố.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan biên soạn các nội dung tài liệu tuyên truyền về văn hóa, văn minh đô thị, quan hệ giao tiếp, ứng xử trong cơ quan, công sở, trường học và cộng đồng dân cư.
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố tuyên truyền thường xuyên liên tục về các nội dung, hoạt động có liên quan đến “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.
- Sở Tư pháp chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, trọng tâm về an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương mở chuyên mục riêng về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tại trang thông tin điện tử của đơn vị.
b) Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh công tác chỉ đạo, tổ chức các sự kiện chào mừng các ngày Lễ lớn trong năm, nâng cao chất lượng các chương trình văn hóa, nghệ thuật.
c) Đảm bảo trật tự xã hội
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; xử lý triệt để các hành vi vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng. Tập trung trọng điểm đối với các hành vi: đua xe, cướp giật, trộm cắp, cờ bạc, hút chích ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, gây rối trật tự công cộng chống người thi hành công vụ...
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai nội dung đẩy lùi tệ nạn mại dâm, ma túy trên địa bàn tỉnh.
- Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình có kế hoạch kiểm tra xử lý theo chức năng.
d) Giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị
- UBND các huyện, thành phố vận động nhân dân chỉnh trang cảnh trí nhà mặt tiền trật tự, ngăn nắp; tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp vỉa hè; áp dụng đồng bộ các biện pháp để tiến tới chấm dứt tình trạng quảng cáo rao vặt trái phép trên bờ tường, gốc cây, trụ điện,..; tình trạng phát tờ rơi quảng cáo trên đường phố.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố xử lý triệt để các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo.
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức sắp xếp, thu gọn hệ thống cáp quang viễn thông; chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin trên các tuyến đường chính, trọng điểm đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ việc kéo cáp quang mới, ưu tiên cáp ngầm trên địa bàn đô thị.
- Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố giải quyết tình trạng chợ tự phát. Tổ chức tốt công tác thanh tra kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp Luật về thương mại.
- UBND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm những tồn tại về trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn. Chủ trì giải tỏa triệt để các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán.
đ) Đảm bảo trật tự an toàn giao thông
- Công an tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp cùng với Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Xử lý nghiêm đối với các hành vi đi không đúng làn đường, ngược chiều, quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, lạng lách, đánh võng, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
- Ban An toàn giao thông tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các đoàn thể tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xây dựng ý thức và hành vi văn hóa giao thông khi tham gia giao thông.
- Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông; lắp đặt biển báo, biển hiệu theo đúng quy hoạch và quy định.
- Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố có trách nhiệm gửi thông báo các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm về trật tự an toàn giao thông về Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường để phối hợp xử lý kỷ luật, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh, sinh viên.
e) Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tập trung xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Tiếp tục triển khai có chất lượng Phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp” tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Vận động nhân dân không thả rông động vật nuôi, phóng uế bừa bãi nơi công cộng. Chỉ đạo các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện đúng quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, khu dân cư. Thu dọn, vận chuyển kịp thời, không để rác thải tồn đọng trong ngày.
g) Xóa bỏ tình trạng quảng cáo, phát tờ rơi, rao vặt (dán tờ rơi, sơn, kẻ, vẽ trên tường rào, trụ điện...) sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị
- UBND các huyện, thành phố: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống quảng cáo, rao vặt sai quy định gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn; có kế hoạch ra quân xử lý các điểm nóng về quảng cáo rao vặt ở khu vực trung tâm.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đề xuất UBND tỉnh các hình thức khen thưởng tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng vi phạm quảng cáo, rao vặt.
- Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn): Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia xóa quảng cáo rao vặt, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp; kịp thời phát hiện, tố giác các đối tuợng vi phạm.
- Các trường học thông báo, quán triệt đến học sinh, sinh viên không tham gia làm dịch vụ quảng cáo rao vặt, phát tờ rơi sai quy định gây mất mỹ quan; có biện pháp xử lý đối với học sinh, sinh viên vi phạm.
h) Giải quyết triệt để, tiến tới chấm dứt hành vi lang thang xin ăn
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố có biện pháp xử lý triệt để tình trạng xin ăn trá hình, biến tướng.
2. Giải pháp:
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương xây dựng Kế hoạch chi tiết, phân công đến các tổ chức, phòng ban và từng cán bộ công chức từng nội dung cụ thể; rà soát, ban hành những văn bản cần thiết của ngành, đồng thời căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể và năng lực chỉ đạo, điều hành của từng ngành thành lập Ban điều hành để thực hiện nhiệm vụ.
- Thường xuyên, liên tục công tác truyền thông, tuyên truyền vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch và tình hình thực tế của ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Giao các Sở, ban, ngành chuyên môn chủ trì thực hiện 08 nội dung như sau:
- Công an tỉnh: Chủ trì nội dung về trật tự xã hội và trật tự an toàn giao thông.
- Sở Xây dựng: Chủ trì nội dung về trật tự, mỹ quan đô thị.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì nội dung về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì nội dung về tình trạng xin ăn trá hình, biến tướng.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Là cơ quan thường trực chung về “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” và chủ trì thực hiện nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về văn hóa, văn minh đô thị; nội dung nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; nội dung quảng cáo, phát tờ rơi, rao vặt sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị.
2. Kiểm tra, xử lý vi phạm
- Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh củng cố, bổ sung nhiệm vụ Đội kiểm tra liên ngành từ Đội kiểm tra liên ngành về du lịch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xử lý các vi phạm, tham mưu, đề xuất những vấn đề liên quan đến nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
- UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giải quyết và xử phạt thường xuyên để kịp thời xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng tái phát sinh phức tạp trở lại sau khi sắp xếp, chấn chỉnh, nhất là tình hình quảng cáo rao vặt sai quy định, chiếm dụng lề đường, vỉa hè kinh doanh trái phép, bán hàng rong và lang thang xin ăn.
3. Kinh phí thực hiện
Kinh phí triển khai các hoạt động của Kế hoạch này được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên bố trí trong dự toán năm của các đơn vị và có trách nhiệm thực hiện chi theo chế độ quy định tài chính hiện hành.
Căn cứ dự toán được giao, sau khi đề xuất nội dung thực hiện “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” của ngành, địa phương mình, các cơ quan đơn vị địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện theo Kế hoạch này gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt dự toán chi làm cơ sở thực hiện.
4. Chọn địa bàn làm điểm
a) Cấp tỉnh: Chọn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chỉ đạo điểm.
b) Cấp huyện, thành phố:
- Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chọn từ 02 đến 04 phường; mỗi phường chọn từ 02 đến 04 khu phố và một số tuyến đường, tuyến phố chỉ đạo điểm.
- Mỗi huyện chọn từ 01 đến 03 xã / thị trấn; mỗi xã chọn từ 02 đến 03 thôn và một số tuyến đường, tuyến phố chỉ đạo điểm.
5. Thi đua, khen thưởng
Định kỳ 6 tháng và tổng kết các năm, các đơn vị bình xét, đề nghị khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch này.
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành thường trực các nhóm nội dung theo kế hoạch, theo dõi công tác tổ chức thực hiện và đề xuất thi đua khen thưởng việc tổ chức thực hiện kế hoạch của các ngành, địa phương.
6. Tiến độ thực hiện
- Trong quý I năm 2016: UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hành động “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020; các huyện, thành phố đồng loạt ra quân phát động hưởng ứng “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” gắn với phát động xây dựng năm môi trường du lịch sạch;
- Định kỳ hàng quý: Tổ chức kiểm tra chương trình, kế hoạch triển khai của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương để rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo thực hiện;
- Giữa tháng 12/2016: Tổ chức tổng kết năm và đề ra phương hướng, giải pháp triển khai thực hiện cho các năm tiếp theo;
- Phát động toàn tỉnh thực hiện các đợt cao điểm để tập trung nâng cao kết quả từng mục tiêu trọng tâm, gồm:
+ Trong Qúy I/2016: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức phát động thi đua thực hiện “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” ở đơn vị, địa phương.
+ Từ tháng 02 đến hết tháng 4/2016: Tập trung trọng điểm chấn chỉnh trật tự vỉa hè lề đường; nâng cao năng lực giải quyết vấn đề rác thải đô thị và xóa quảng cáo, rao vặt trái phép trên bờ tường, gốc cây, trụ điện,...
+ Tháng 6/2016: Các Sở, ban, ngành thường trực các nhóm nội dung tổ chức họp sơ kết rút kinh nghiệm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm.
+ Từ tháng 7/2016 đến giữa tháng 12/2016: Tập trung trọng điểm công tác kiểm tra xử lý vi phạm.
7. Chế độ báo cáo
- Mỗi quý UBND tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp với các Sở, ban, ngành thường trực các nhóm nội dung và UBND các huyện, thành phố để đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện và chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thực hiện sắp tới.
- Ngày 25 hàng tháng, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- Giữa tháng 12/2016, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”
- Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ kế hoạch này để tổ chức sơ kết, tổng kết theo thời gian phù hợp.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch này./.
PHẦN THỨ HAI
NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN CÁCH ỨNG XỬ VÀ HÀNH VI
VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔ THỊ
NỘI DUNG I: VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG
I. ĐỐI VỚI HỌC SINH
1. Lời nói
- Biết xưng hô lịch sự, lễ phép (đúng mực, đúng hoàn cảnh, đúng quan hệ) với thầy cô, ông bà, cha mẹ, bạn bè và người khác.
- Biết chào hỏi, thưa, xin lỗi, cảm ơn.
- Biết lắng nghe người khác.
- Không cướp lời; không nói lời xu nịnh, thô thiển, hồ đồ; không nói tục, chửi thề, chửi bậy.
- Không nói dối, huyênh hoang, khoác lác.
- Không nói và viết làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của Tiếng Việt.
2. Thái độ
- Biết tôn trọng, hòa nhã, thân thiện trong giao tiếp.
- Biết kiềm chế, bình tĩnh, tiếp thu; biết xấu hổ, ân hận khi nghĩ và làm điều sai trái.
- Biết quan tâm đến người khác, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
- Không ghen tị, đố kị, tự ti, gây hiềm khích.
- Không kiêu căng, tự cao, tự đại.
- Không nghi ngờ, nghĩ xấu cho người khác.
3. Hành vi
- Biết sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, nhường nhịn cho người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em, người gặp khó khăn, hoạn nạn.
- Biết bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp.
- Biết tự giác xếp hàng; bỏ rác, đi vệ sinh đúng nơi quy định.
- Không vi phạm trật tự an toàn giao thông.
- Không gây ồn ào, gây gổ, chửi mắng; không có hành vi bạo lực về thể chất và tinh thần; không đặt chuyện, biệt danh xấu cho người khác; không lạm dụng thân thể người khác.
- Không cờ bạc, trộm cắp, phá hoại tài sản; không mua bán và sử dụng đồ uống có cồn, chất gây nghiện.
II. ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO, CÔNG CHỨC – VIÊN CHỨC
1. Lời nói
- Biết xưng hô đúng mực với học sinh; không dùng các từ “mày, tao, tụi bay...” để xưng hô với học sinh. Không quát nạt, chê bai, miệt thị làm xúc phạm danh dự của học sinh.
- Trao đổi với đồng nghiệp phải chân tình, có lý lẽ; không to tiếng, cãi cọ, nói xấu đồng nghiệp.
- Khi trao đổi, nói chuyện với phụ huynh phải rõ ràng, mạch lạc, dễ tiếp thu để có sự phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh và xây dựng nhà trường.
2. Thái độ
- Nghiêm túc, yêu thương, trách nhiệm với học sinh.
- Thân thiện, tôn trọng, giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc cũng như trong sinh hoạt thường ngày.
- Không nóng nảy, biết kiềm chế, có tinh thần hợp tác khi giao tiếp, làm việc.
- Hướng dẫn, giải thích tận tình, chu đáo những yêu cầu chính đáng của người dân, phụ huynh và học sinh.
3. Hành vi
- Sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; sẵn sàng hướng dẫn, giải thích cho học sinh những thắc mắc, những điều chưa hiểu.
- Không đánh hoặc có những hành vi xúc phạm thân thể và tinh thần học sinh.
- Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; không gây bè phái, làm mất đoàn kết tại đơn vị.
- Phối hợp với phụ huynh trên tinh thần tôn trọng, hợp tác để thường xuyên theo dõi, giúp đỡ con em.
- Không hút thuốc lá trong nhà trường; không sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy; không vi phạm trật tự an toàn giao thông; không tham gia cờ bạc, mua bán, sử dụng ma túy và chất gây nghiện; không uống bia, rượu làm mất kiểm soát, gây ồn ào làm ảnh hưởng người khác.
NỘI DUNG II: NẾP SỐNG VĂN HÓA, VĂN MINH NƠI CÔNG CỘNG
VÀ Ở KHU DÂN CƯ
I. Văn hóa giao tiếp ứng xử nơi công cộng
1. Đối với người có trách nhiệm, người quản lý khu vực công cộng
- Biết lắng nghe, chia sẻ và tiếp thu ý kiến của người dân.
- Biết nói lời “Xin lỗi”, “Cảm ơn” đúng lúc.
- Có thái độ thân thiện, lịch sự.
- Nhiệt tình hướng dẫn, cung cấp thông tin khi người dân cần.
- Trách nhiệm với công việc.
- Không lạm dụng chức quyền.
2. Đối với người dân và du khách
- Có thái độ thân thiện, văn minh, lịch sự, tôn trọng mọi người.
- Biết nói lời “Xin lỗi”, “Cảm ơn” đúng lúc.
- Trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp khi ra đường, ở nơi công cộng.
- Xếp hàng khi tham gia các dịch vụ.
- Không chen lấn, xô đẩy nơi đông người.
- Giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định.
- Bảo vệ cảnh quan môi trường; không giẫm đạp lên cỏ, ngắt hoa, bẻ cành.
- Giữ gìn các công trình công cộng.
II. Văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình và cộng đồng khu dân cư
- Hòa thuận, hiếu thảo, gương mẫu trong gia đình và với mọi người.
- Lời nói đúng mực; chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi đúng lúc.
- Trang phục lịch sự khi đến nơi tôn nghiêm, nơi làm việc của các cơ quan Nhà nước, trụ sở của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.
- Thân thiện, tương trợ hàng xóm, láng giềng khi hữu sự.
- Tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, khó khăn.
- Không mở âm thanh quá lớn gây ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng.
- Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ, trưng bày hàng hóa.
- Không treo, đặt, để các vật dụng, phơi quần, áo, chăn màn,… nơi công cộng, phía mặt tiền đường phố, khu chung cư gây mất mỹ quan đô thị.
- Không thả động vật nuôi chạy rông, phóng uế bừa bãi nơi công cộng.
- Không vứt rác, đổ nước thải, khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp ở khu dân cư.
- Tham gia trồng và bảo vệ cây trước mặt tiền nhà làm đẹp cảnh quan đường phố và khu dân cư.
- Tham gia tháo gỡ quảng cáo, rao vặt trên cổng ngõ, cột điện trước nhà mình và trong khu dân cư.
* Khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trực quan
- Hãy nói lời hay và hành động bằng cử chỉ đẹp.
- Thực hiện nếp sống văn minh đô thị là trách nhiệm của mỗi người dân.
- Ứng xử lịch sự, thân thiện, tôn trọng mọi người là thể hiện phong cách của người văn minh.
- Giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự là tôn trọng bản thân và mọi người.
- Hãy hành động để xây dựng và giữ gìn Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp.
- Giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi công cộng để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
- Bỏ rác đúng nơi quy định.
- Giữ gìn và bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của bạn.
NỘI DUNG III: VĂN HÓA CÔNG SỞ
I. Những việc cán bộ, công chức, viên chức phải làm trong văn hóa ứng xử nơi công sở
- Với nhân dân: Phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin.
- Với cấp trên: Tôn trọng, phục tùng, trung thực, đóng góp ý kiến.
- Với cấp dưới: Dân chủ, tạo niềm tin.
- Với đồng nghiệp: Chân thành, nhiệt tình, thân thiện, hợp tác.
II. Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong văn hóa ứng xử nơi công sở
- Không quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà.
- Không vụ lợi trong hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, tân gia, thăng chức…
- Không sử dụng tài sản, phương tiện công vì mục đích cá nhân.
- Không hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn nơi công sở.
- Không trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
- Không đối phó, phô trương, bệnh hình thức, lãng phí trong tổ chức công việc.
III. Thực hiện “5 xây, 3 chống” trong thi hành công vụ
- 5 xây: Trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu.
- 3 chống: Chống quan liêu, chống tiêu cực, chống bệnh hình thức.
NỘI DUNG IV: VĂN HÓA DU LỊCH
I. Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phục vụ du lịch
1. Nên:
- Mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ, phù hợp với công việc.
- Khuyến khích có đồng phục riêng cho từng đơn vị; nên mặc trang phục truyền thống dân tộc trong một số dịch vụ phục vụ khách du lịch.
- Có đạo đức nghề nghiệp.
- Ứng xử đúng mực, tôn trọng khách.
- Có thái độ thân thiện, niềm nở khi phục vụ khách.
- Luôn sẵn sàng nói: “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn”, “Xin chào và hẹn gặp lại quý khách (anh/chị)”.
- Tư vấn nhiệt tình, trung thực và sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch khi được yêu cầu.
- Biết lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của khách.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các khu vực phục vụ khách du lịch.
- Sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp nơi đón tiếp khách du lịch. - Niêm yết giá công khai, rõ ràng và bán đúng giá niêm yết.
- Giữ uy tín và thương hiệu trong quan hệ với khách hàng, đối tác.
2. Không nên:
- Phân biệt đối xử với khách du lịch.
- Đeo bám, chèo kéo, làm phiền khách du lịch.
- Lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính.
- Sử dụng điện thoại, hút thuốc lá, nhai kẹo khi đang phục vụ khách du lịch.
- Vứt rác hoặc khạc nhổ bừa bãi, đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định.
- Cung cấp các dịch vụ không rõ ràng và không đảm bảo chất lượng cho khách du lịch.
- Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để hoạt động kinh doanh.
II. Đối với người dân Ninh Thuận
1. Nên:
- Mặc trang phục lịch sự, phù hợp khi đi thăm những nơi tôn nghiêm như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ, nghĩa trang liệt sĩ, dự lễ…
- Có thái độ thân thiện, mến khách; nhiệt tình giúp đỡ khách du lịch khi được yêu cầu.
- Sử dụng có kiểm soát bia, rượu và các loại nước uống có cồn.
- Tôn trọng, giúp đỡ và ưu tiên người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ.
- Xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động tại nơi công cộng.
- Tuân thủ hướng dẫn của người quản lý khi tham gia hoạt động tại các khu, điểm du lịch, bãi biển hoặc khi sử dụng dịch vụ giao thông công cộng.
- Có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cảnh quan và môi trường tự nhiên.
- Tích cực hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường.
2. Không nên:
- Gây ồn ào, mất trật tự hoặc nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Thể hiện tình cảm nam nữ quá mức nơi công cộng.
- Nói lời thô tục, thiếu văn hóa.
- Viết, vẽ, khắc lên tường, tượng, bia đá, cây xanh...
- Vứt rác hoặc khạc nhổ bừa bãi, đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định.
- Hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên bãi cỏ tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng.
III. Đối với khách du lịch
1. Nên:
- Trang phục lịch sự và phù hợp với điểm tham quan du lịch, nhất là khi đến những nơi tôn nghiêm như nhà thờ, chùa, miếu, đền tháp, nghĩa trang liệt sĩ, lễ hội truyền thống…
- Có ý thức giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản công cộng.
- Tôn trọng, giúp đỡ và ưu tiên người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ.
- Xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động tại nơi công cộng.
- Sử dụng có kiểm soát bia, rượu và các loại nước uống có cồn.
- Lấy thức ăn vừa đủ dùng, tránh lãng phí.
- Tiết kiệm điện, nước. Bảo quản các đồ dùng, vật dụng khi sử dụng các dịch vụ.
- Có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cảnh quan và môi trường tự nhiên.
2. Không nên:
- Gây ồn ào, mất trật tự hoặc nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Viết, vẽ, khắc lên tường, tượng, bia đá, đền tháp, cây xanh...
- Vứt rác hoặc khạc nhổ bừa bãi, đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định.
- Hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên bãi cỏ tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng.
IV. Khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trực quan
- Giao tiếp, ứng xử văn minh là tôn trọng bản thân và mọi người.
- Giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi công cộng.
- Xếp hàng là văn minh.
- Bỏ rác đúng nơi quy định.
- Nói lời hay, cử chỉ đẹp.
- Nói không với đeo bám, chèo kéo khách du lịch.
- Giữ gìn và bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử là trách nhiệm của mỗi người dân và du khách.
- Hãy hành động để xây dựng và giữ gìn Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp.
- Ứng xử đúng mực, thái độ thân thiện, tinh thần tận tụy.
NỘI DUNG V : VĂN HÓA GIAO THÔNG
I. Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ
1. Tiêu chí chung
- Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông;
- Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh;
- Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông;
- Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông;
- Đi đúng làn đường, phần đường quy định;
- Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép;
- Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông;
- Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn;
- Có ý thức văn hóa xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.
2. Đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông
- Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, thuận lợi cho người tham gia giao thông. Thực thi, hướng dẫn, cưỡng chế, thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông nghiêm minh, chuẩn mực, lịch sự.
- Nhanh nhạy, linh hoạt trong giải quyết các tình huống ùn tắc và tai nạn giao thông.
- Ứng xử văn minh, không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ.
- Hướng dẫn, giúp đỡ người tham gia giao thông, đặc biệt là người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ.
3. Đối với người tham gia giao thông
- Không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông.
- Chấp hành nghiêm túc hệ thống báo hiệu đường bộ, đi đúng phần đường, làn đường quy định; không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định.
- Bảo đảm tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần khi tham gia giao thông.
- Duy trì phương tiện tham gia giao thông an toàn, sạch đẹp.
- Có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra tai nạn giao thông.
- Có trách nhiệm phản ánh và lên án các hành vi tiêu cực; tích cực đề xuất các sáng kiến trong lĩnh vực giao thông.
- Tận tình giúp đỡ người bị nạn, người già, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông.
- Tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
4. Đối với cư dân sinh sống ven đường giao thông
- Tự giác chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán; không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.
- Thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng về tình hình trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các sự cố về trật tự, an toàn giao thông.
- Hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác sơ cứu, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.
- Phê phán, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- Không tham gia các hoạt động cản trở, gây rối làm mất trật tự, an toàn giao thông; không cổ vũ đua xe trái phép.
5. Đối với chủ phương tiện tham gia giao thông
- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải; chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của chủ phương tiện trong việc khắc phục, giải quyết tai nạn giao thông.
- Chủ động tổ chức, tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất của người lái xe.
- Tham gia đầy đủ nghĩa vụ của chủ phương tiện giao thông; thực hiện việc sang tên, đổi chủ khi chuyển nhượng, mua bán phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật.
II. Một số nội dung tuyên truyền trực quan về Văn hóa giao thông
- Thảm họa tai nạn giao thông - Hãy hành động ngay.
- An toàn mọi lúc - Hạnh phúc mọi nơi.
- Tai nạn giao thông - Nỗi đau còn đó.
- Đã uống rượu, bia thì không lái xe.
- Lạm dụng rượu, bia - hiểm họa tai nạn giao thông.
- Hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông.
- Văn hoá giao thông là biết nhường đường và hạn chế sử dụng còi.
- Đội mũ bảo hiểm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và cài quai đeo an toàn khi đi mô tô, xe gắn máy.
- Phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy.
- Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường quy định.
- Không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu.
- Xe đi với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
- Nhường đường, không chen lấn là nét đẹp văn hóa giao thông.
* Không:
- Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
- Sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
- Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định.
- Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.
- Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư.
NỘI DUNG VI: MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ VỈA HÈ
I. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông
1. Việc quản lý, sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
2. Khi sử dụng vỉa hè vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông phải có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
3. Việc sử dụng vỉa hè ngoài múc đích giao thông không lấn chiếm lối đi dành cho người đi bộ được quy định.
4. Tổ chức cá nhân được sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường phải chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng tạm thời vĩa hè; tuyệt đối không lấn chiếm ngoài phạm vi đã được cấp giấy phép sử dụng tạm thời, thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép và nộp các phí có liên quan đến việc sử dụng tạm thời vĩa hè ngoài mục đích giao thông theo quy định.
II. Phạm vi sử dụng tạm thời vỉa hè
1. Quy định sử dụng tạm thời vĩa hè theo bề rộng:
a) Vỉa hè có bề rộng dưới 3,00 mét: Không cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông, trừ trường hợp để xe môtô, xe gắn máy, xe đạp, tập kết vật liệu xây dựng nhưng phải đảm bảo lối cho người đi bộ tối thiểu là 1,50 mét;
b) Vĩa hè có bề rộng từ 3,00 mét đến dưới 4,00 mét: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 1,50 mét; phần còn lại cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông;
c) Vỉa hè có bề rộng từ 4,00 mét đến dưới 6,00 mét: lối cho người đi bộ tối thiểu 2,00 mét; phần còn lại cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông.
2. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng tuyến đường cơ quan có thẩm quyền cấp phép được quyền phân định phần vỉa hè sử dụng để làm lối cho người đi bộ theo quy định nêu trên nhằm đảm bảo vỉa hè thông thoáng, mỹ quan đô thị.
III. Các trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
1. Đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè để xe môtô, xe gắn máy, xe dạp thì yêu cầu xe phải được sắp xếp thành từng hàng, dọc theo vỉa hè và theo một trật tự nhất định. Tùy theo điều kiện cụ thể từng tuyến đường, cơ quan có thẩm quyền cho phép sắp xếp một hàng hay nhiều hàng xe.
2. Đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng thì tùy theo điều kiện cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xem xét giải quyết trên nguyên tắc đảm bảo lối cho người đi bộ theo quy định và phải được che chắn cẩn thận, đảm bảo không rơi vãi xuống lòng đường và hệ thống thoát nước đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
3. Đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè để lắp đặc các công trình phục vụ công cộng, làm mặt bằng thi công các công trình xây dựng, lắp đặt trạm chờ xe buýt theo tuyến xe buýt được duyệt thì tùy theo điệu kiện cụ thể, cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xem xét giải quyết trên nguyên tắc đảm bảo lối đi cho người đi bộ theo quy định, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
4. Đối với trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè cho việc cưới, việc tang: Hộ gia đình, cá nhân phải thông báo với UBND phường, xã nơi cư trú; phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và bố trí lối đi dành cho người đi bộ có chiều rộng tối thiểu 1,50 mét; thời gian sự dụng tạm thời vỉa hè không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 72 giờ.
IV. Khẩu hiệu tuyên truyền
- Không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để họp chợ, kinh doanh buôn bán, trưng bày hàng hóa trái phép.
- Không treo, đặt, để các vật dụng, phơi quần áo, chăn màn ....nơi công cộng, phía mặt tiền đường phố, khu chung cư gây mất mỹ quan đô thị
- Hãy dành lối cho người đi bộ.
- Để xe đúng nơi quy đinh.
NỘI DUNG VII: VĂN MINH THƯƠNG MẠI
I. Xây dựng môi trường kinh doanh văn minh và lành mạnh
1. Không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại.
2. Kinh doanh hàng hóa có ghi nhãn đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.
3. Cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn kịp thời, trung thực và chính xác cho người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ do mình cung cấp.
4. Công khai niêm yết giá các loại hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh của mình và bán theo đúng giá niêm yết.
5. Thực hiện đầy đủ các chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và giao hóa đơn, chứng từ cho người tiêu dùng.
6. Tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm.
7. Sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo hành đối với hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp theo thỏa thuận hoặc giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thỏa đáng mọi khiếu nại của người tiêu dùng.
8. Nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm gây nhầm lẫn, làm thiệt hại cho người tiêu dùng.
9. Hợp tác với cơ quan chức năng trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, chống vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng không đảm bảo về an toàn thực phẩm.
II. Những khuyến cáo trong văn hóa, văn minh thương mại
1. “5 không” trong kinh doanh văn hóa, văn minh thương mại:
- Không lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi kinh doanh, giữ xe.
- Không nói thách, bán hàng giá quá cao so với giá trị thật, đặc biệt là với khách du lịch, khách nước ngoài.
- Không chèo kéo, đeo bám khách.
- Không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đúng quy định về tem, nhãn, xuất xứ; hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Không xả rác bừa bãi khu vực bán hàng và môi trường xung quanh.
2. “3 nên” đối với người tiêu dùng:
1. Nên “nói không” đối với những sản phẩm kém chất lượng, những nhà cung cấp không có uy tín.
2. Nên kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
3. Nên thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
NỘI DUNG VIII: QUY ĐỊNH VỀ QUẢNG CÁO, RAO VẶT
I. Những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, rao vặt
1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm tại Điều 7, Luật Quảng cáo:
- Thuốc lá.
- Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
- Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
- Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
- Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
- Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
- Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật Nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia.
3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục.
4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
8. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
10. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
12. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.
13. Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
14. Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường.
15. Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo.
16. Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
II. Tuyên truyền trực quan về những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, rao vặt
1. Nghiêm cấm việc in, dán, kẻ, vẽ, phát tờ rơi các quảng cáo rao vặt trên tường nhà, hàng rào, gốc cây, cột điện và các vật dụng đặt trên đường phố, trong các con hẻm, khu dân cư trên đô thị không có giấy phép.
2. Xử phạt: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, đèn tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, đồng thời buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo.
3. Khen thưởng: Thưởng nóng cho tổ chức, cá nhân phát hiện, bắt giữ và báo cho các cơ quan chức năng xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo, rao vặt không đúng nơi quy định với mức 200.000 đồng/trường hợp./.
----------------------------------------------
Chỉ đạo nội dung: Bùi Văn Lộc
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ban Biên tập:
Nguyễn Văn Linh
Trưởng phòng Xây dựng NSVHGĐ
Với sự cộng tác của:
Ban Tuyên giáo
Công an tỉnh
Sở Nội vụ
Sở Tư pháp
Sở Công thương
Sở Giao thông vận tải
Sở Giáo dục và Đào tạo
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tỉnh Ninh Thuận.
---------------------------------------------------------------------------------------------------
(Ban biên tập/Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Ninh Thuận)