Một chuyến tìm sông

Nguyễn Thị Kim Hòa

 

Dòng sông Cái đổ dốc từ sườn Đông dãy núi cao ngất phía tây bắc, tới đồng bằng Phan Rang thì lừng khừng chậm lại, mang cái tên rất dễ “đụng hàng”: sông Dinh.

Chỉ cần gõ “sông Dinh”, nhấp chuột, google trả về gần chục địa danh. Ninh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình, Bà Rịa,… Cơ hồ đứng đâu đó giữa dải đất duyên hải, kêu lên một tiếng Dinh, chắc năm bảy con sông cùng lên tiếng. Trả lời nào có chữ “rồi” lửng lơ rớt giữa “rầu” và “rời”, không cách nào phiên âm ra được, đặc trưng của giọng Phan Rang, thì đích thị là sông Dinh của người Phan.

Nhưng không biết là người Phan của thế kỉ nào. Chứ đứa học trò nhỏ trong đề bài văn “Em hãy tả một cảnh sông nước ở địa phương” đã hết sức thành thực: “Con tưởng quê mình chỉ có biển!”. Đứa khá nhất, nhà ngày dưới chân đê, mắt tròn xoe ngơ ngác. “Là sông Dinh hả cô? Đó giờ con tưởng nó tên… Sông!”.

May mà lớp tuốt luốt sâu trong phố, chứ không thế nào cũng nghe vẳng lên từ mặt nước một tiếng thở dài.

Đất nắng dữ. Đất khét tiếng chỉ sa mạc và gió. Đâu phải miền Tây Nam Bộ sông nước tràn trề dư dả mà người ta không nhớ đến một dòng sông. Cũng không trách được. Con người giờ trăm ngàn thứ để nhớ. Nhớ lợi nhuận, cơ hội. Nhớ đấu đá, giành giật. Hơi sức nào đem nhớ cho ba thứ xa xỉ như sông.

Mẹ cũng nói mắc mớ gì phải nhớ sông. Sông ngay sát nách đó, lên đê là thấy. Nhưng chiều muộn, mẹ lại bắt đám cháu quây lại bên mình để nghe kể chuyện sông.

Sông Dinh của mẹ có con nước đến mùa cạn lội chỉ tới mắt cá chân. Có những buổi đi học về đội xách vở níu nhau giữa dòng nước lên ngang cổ ùng ục chảy. Sông Dinh của mẹ còn có bãi cát trắng hơn cả màu áo học trò, có những đám khoai, rẫy bắp hai bên bờ xanh mướt.  Mẹ không kể, nhưng chắc cũng có cái nắm tay ngại ngùng thời con gái. Có ánh mắt nào đó mắc cỡ trốn nhau giữa những tiếng cười trẻ trung trong vắt cả ánh trăng đêm, cả những ngọn khói nướng khoai.

Bà ngoại từ trong rẫy ra thì hay nhắc về một dòng sông Dinh khác. Sông của những buổi trời chưa tỏ dạng, gánh dưa hồng nặng trịch vai mà chân bà vẫn phải thoăn thoắt vượt sông. Hai cái thúng oằn xuống hai đầu gióng nhiều khi quết lướt thướt trên mặt nước sớm đầy. Ra đến chợ, trên tay người lựa, người mua không chỉ là những trái dưa tròn căng, vỏ áo sọc xanh, sọc đen vui mắt. Mà còn cả những giọt nước sông trong văng vắt, rơi đến đâu là nơi đó bị lây theo làn hơi mát rượi như sương.

Sông Dinh của ngoại còn có những chiều mặt nước cày xới, nứt đôi vì những đường đạn, tiếng pháo thụt, vì âm thanh chết chóc của chiến tranh. Đứa cháu nhỏ nhấp lia lịa ngón tay trên mục tiêu cần diệt của trò chơi trong Ipad quay sang hỏi: “Chiến tranh là gì vậy cố?’’. Tiếng đạn bắn ì xèo vẫn vẳng ra từ màn hình chữ nhật vuông mỏng lét. Ánh mắt ngoại không biết vướng chỗ nào mà rớt xuống sân là cái nhìn ngơ ngác, đục ngầu.

Lẩn thẩn nghĩ, rồi mai mốt chỉ sống bằng kí ức như ngoại, như mẹ, trong mớ kí ức về sông Dinh mình gột ra được những gì?

Chắc cũng chỉ có những buổi chống cằm trên mặt đê, ngó cặp thùng gánh nước của mẹ đòng đưa xuống mấy bậc cấp. Hiếm hoi lắm mới được mẹ cho bám đuôi theo cùng, để lạ lùng nhìn khoảng cát trước mặt mẹ thụt dần, tròn dần rồi thần kì trở thành một “giếng nước’’. Cái hố tròn trĩnh đào trên bãi cát sông để lấy nước ngọt của mẹ chẳng hiểu sao lại thành kí ức sống động nhất về sông Dinh. Nhiều lúc giờ nhìn bãi sông, lại cứ như thấy chi chít trên mặt cát những vòng tròn đan lấy nhau, chồng cả lên nhau. Bên dưới đó, đâu là những “cái giếng” mẹ đã đào? Đâu là cái lỗ lấy nước ai đó chưa kịp lắp để đứa bạn ngày nhỏ mê chạy nhảy té tòm vào?

Ở nhiều quãng, những vòng tròn còn chập chờn tuốt giữa mênh mang con nước. Bãi sông những quãng ấy đã hoàn toàn biến mất. Cát theo những xe bò, xe cải tiến, xe ben đêm ngày chạy đến lở đường ra những công trình, những dựng xây ngày càng dày lên như nấm. Con người đã đổi bãi cát, đổi kí ức sông cho thứ gọi là hiện đại, phát triển. Vết thương cứa vào lòng sông mỗi ngày một sâu thêm, một lở loét. Vết lở ăn mòn dần hai vạt bờ, nhức buốt đến từng con nước. Đau đớn, sông khóc không thành tiếng. Tiếng khóc lại chìm giữa mênh mông bao thanh âm xô bồ khác, con người mấy ai nghe được.

Mặt nước vẫn lằng lặng, êm êm từng đợt sóng. Nhưng lòng sông dưới ấy đã sâu hoắm, chằng chịt bao dấu sẹo. Sông không bao giờ trở lại là sông đến mùa cạn vô tư đón bao chân người lội tắt, lội ngang bắt cá. Sông ôm một nỗi nghèn nghẹn gì đấy không tan được, chỉ cần dầm dề mưa là trào lên, chực nuốt chửng con đê.

Chỉ mùa lụt lội, mưa bão, người ta mới giật mình chợt nhớ đến sông. Những bờ kè xây mới, những dải đê đổ cao thêm, cao mãi. Dần dà, đến cơn giận dỗi bùng phát mỗi mùa sông cũng phải tự xoa dịu đi bằng dòng nước. Phải chăng vì vậy mà con nước mùa nào cũng như nằng nặng mỗi một màu.

Dòng chảy bao đời vẫn thế. Dù uốn khúc, đối diện với mỗi thế hệ, mỗi con người, mỗi giai đoạn là một dòng sông khác.

Chỉ tha thiết mong đừng có thêm đứa trẻ nào ngơ ngác đứng giữa bờ đê hai bên giăng kín những dãy nhà, thấp thỏm gọi: “Sông ơi!” ./.