ẨM THỰC LÀ NỖI NHỚ

                                                                           Tạp văn của Vương Fương Anh

Tết. Nhìn đứa em gái cắn ỏn ẻn từng miếng bánh xèo, tôi hoạnh “Sao ở trong đó (Bình Dương) cứ tụng hoài tụng mãi cái câu về đến nhà sẽ lê la bằng sạch các quán bánh xèo, bánh canh, bánh căn, bánh bèo… giờ ngồi đó mà nhấm nháp thấy ghét?”. Nó cười cười “Em có chê đâu, mà em cũng có thèm lắm đâu, em đang ăn bằng cảm xúc đấy chứ!”. Rồi nó bảo, tại nó nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ những góc phố quen của Phan Rang, mà những kỉ niệm của nó lại luôn gắn với những món ăn vỉa hè đó. Nên mỗi lần về quê, nó phải đi ăn cho thỏa nhung nhớ, cho hả hê những một năm xa cách.

Hiểu. Tôi và những đứa bạn thời phổ thông đã đi làm ở xa quê cũng vậy, hễ có dịp về Phan Rang là tụm năm tụm bảy để ngốn ngấu những kỉ niệm của một thời.

Còn nhớ, cách khoảng gần chục năm về trước, tôi thường tự hỏi sao bún bò Huế, bánh canh Trảng Bàng (Tây Ninh), bún cá Quy Nhơn (Bình Định), bún nước lèo Sóc Trăng góp mặt nhan nhản khắp các nẻo đường Sài Gòn, mà đặc sản Phan Rang thì tìm mỏi mắt chẳng thấy? Để rồi tình cờ một bữa nọ tôi xúc động thắng gấp trước một biển hiệu nhỏ “Đặc sản Phan Rang” trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi. Tự nhủ, thế là từ nay mình đã có nơi có chốn để thỏa nỗi nhớ mong và giới thiệu với bạn bè rồi.

Quà mừng sinh nhật, bạn hỏi tôi thích gì? Tôi kéo bạn đi dọc bờ kè Trần Văn Đang, quận 3 rồi sà xuống cạnh một lò nướng bánh xèo, bánh căn thơm nức. Bạn không ngạc nhiên vì tôi lại chọn “đặc sản Phan Rang”, nhưng ánh mắt bạn không che đậy tò mò khi nhìn bộ dạng tôi lúc đó “Bộ… ngon lắm hả? Bộ… thèm lắm hả?”. Tôi không nhìn lên, cũng không tự ái chỉ gọn lỏn “Ngon!”. Bạn lại hỏi “Bộ ngon hơn nhà hàng Đạt hả?” (có thể nói Đạt là nhà hàng đặc sản Phan Rang xuất hiện khá sớm ở Sài Gòn, nằm trên đường Trương Định, quận 3). Tôi nói “Đạt thì hiện đại, sang trọng và đã có sự dung hòa khẩu vị giữa miền Trung với miền Nam. Còn ở đây, vì là món ăn dân dã nên ngồi ghế thấp, bàn nhựa thích hơn. Vừa ăn lại vừa được xem đôi tay thuần thục đổ bột, xoay, lật bánh như múa của người nướng. Chất liệu bánh và nước chấm ở đây vẫn còn giữ đặc thù ẩm thực Phan Rang. Hơn nữa, dọc bờ kè này toàn dân Phan Rang tụ tập mở quán, nên khi đến đây được nghe chất giọng quê quê của xứ mình cũng thấy đỡ nhớ nhà”. Rồi tôi kể, ngày Tết ngán thịt mỡ dưa hành, chúng tôi thường rủ nhau ngồi co ro quanh lò bánh căn bánh xèo bệt trên các góc phố trông ra biển. Những chiếc bánh xèo nhỏ, giòn, vàng rộm nhân tôm mực tươi tắm mình trong chén nước chấm (mắm nước, mắm nêm và mắm đậu phộng) ăn kèm với rau sống, dưa leo. Tôi thích bánh căn nướng theo kiểu “truyền thống nhà nghèo” không nhân hoặc nhân trứng hơn bánh căn “cải biên” có nhân như bánh xèo, vì như thế bánh sẽ không còn xốp và giòn nữa. Bánh căn không ăn với rau mà ăn với xoài bằm. Vị chua của xoài kết hợp nước cá hoặc mắm nêm tạo nên chiếc bánh đơn giản này một vị ngon khó tả, khó quên. 

Một lần khác, tôi cùng người bạn miền Nam ăn bánh canh Phan Rang tại Nguyễn Huy Lượng, quận Phú Nhuận. Quán này không có tên chỉ ghi biển hiệu là “Bánh canh Phan Rang”. Tôi thấy mình như đang ở quê nhà bởi hàng loạt thực khách ở đây đi xe biển số 85. Quán này chuyển nguyên liệu đông lạnh từ cá tươi, chả, nước mắm đến cọng bánh từ Phan Rang vô. Cọng bánh canh Phan Rang ở Sài Gòn không có, nó to hơn cọng bún bò nhưng dẹt chứ không tròn. Người ta luộc cá ngừ làm nước dùng, gỡ cá và thả cọng bánh vào nồi nấu chung. Nước bánh canh trong có vị ngọt thanh là đạt. Khi ăn, một lượng nước và bánh canh vừa đủ được múc ra tô kèm vài miếng cá, chả cá chiên và hấp, cắt vát để trên cùng rồi nặn vài giọt chanh, rắc thật nhiều lá hành, tiêu, ớt hiểm để mùi thơm và vị cay nồng đánh bạt mùi tanh cá và phải vừa thổi vừa ăn mới ghiền! Nhìn tôi thao thao giới thiệu mà vẫn xì xụp húp bánh một cách sành điệu, bạn tôi phì cười quên cả ăn (vì thường bún dùng đũa, riêng bánh canh lại múc bằng muỗng!). 

1-5 năm ngoái, người bạn “miền Đông gian lao mà anh dũng” theo tôi về quê chơi. Tôi “khuyến cáo” bạn ở Phan Rang nên dùng cà phê sữa chứ đừng dùng đen, không quen dễ bị mệt. Bạn có vẻ hơi tự ái miễn cưỡng nghe theo. Chừng một đỗi sau bạn phải thú nhận thốt lên “Ôi trời, sao mà cà phê đậm đặc quá!”. Hết kỳ nghỉ lễ, tôi lại cùng bạn Nam tiến. Xe rời Phan Rang chừng mươi cây số tôi đã nghe bạn chặc lưỡi tiếc. Cứ tưởng bạn tiếc thời gian không đủ để tôi đưa bạn đi tắm suối nước nóng Ninh Sơn, đi ngắm vẻ hoang sơ hùng vĩ của biển Mũi Dinh, hay tiếc không đủ sức vác thêm dăm ba chiếc bình Bàu Trúc nữa? Hóa ra bạn tôi tiếc vì không được thêm một lần nữa thưởng thức cơm gà Khánh Kỳ (Đoàn Thị Điểm), cà phê Cỏ Hồng (Lê Hồng Phong), bánh canh Bé (Ngô Gia Tự), bánh canh Chinh (Yên Ninh), bánh căn bánh xèo Hồ Cá (Trần Quang Diệu)… Nhìn vẻ háu ăn chân thành của bạn, lòng tôi bỗng ngập tràn hạnh phúc và thấy yêu quê hương mình hơn bao giờ hết. Tôi yêu những quán xá mà bạn tôi vừa nhắc, tôi yêu cả những quán cóc ven đường không tên nhưng lại gợi lên những nỗi nhớ trong tôi. 

Quê hương. Ai cũng có một nơi chốn để khi xa mà nhớ về. Nỗi nhớ của người này hẳn không giống người kia. Tình yêu quê hương của người kia hẳn cũng không xuất phát như người nọ. Bằng cách này, cách khác mỗi người có thể hiện riêng nỗi nhớ của mình. Với Huy Cận, “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”, và với Tế Hanh thì “Nhớ cả những người không quen biết”…